60% doanh nghiệp hoạt động không có lãi trong năm 2016

09:53' - 08/02/2017
BNEWS Năm 2016 là một năm kỷ lục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vẫn ở mức thấp.
Hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2016. Ảnh minh họa: TTXVN.

60% số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động không có lãi hoặc thua lỗ trong năm 2016. Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Lộc, những nút thắt trong tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục là rào cản đối với hoạt động doanh nghiệp.

Triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 và định hướng đến năm 2020 , ông Lộc bày tỏ niềm tin vào quyết tâm cải cách đang lan rất nhanh và rất mạnh tới các cơ sở.

Tuy nhiên, người đứng đầu giới doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, niềm tin này đang cần sự bồi đắp bằng những hành động, việc làm rất cụ thể của các cán bộ công chức trong mọi hoạt động và giao tiếp với người dân, với doanh nghiệp.

“Đã tới lúc, cần những động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và của từng doanh nghiệp đơn lẻ; để từ đó tận dụng tốt các cơ hội đầu tư kinh doanh đang ngày càng rộng mở hơn nhờ hội nhập kinh tế quốc tế." - ông Vũ Tiễn Lộc cho biết.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng băn khoăn về những thách thức to lớn để cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2017. Bởi để hiện thực hóa các cam kết cải cách và đổi mới tư duy nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ liêm chính… cần rất nhiều yếu tố và có rất nhiều việc phải làm.

Cụ thể, xóa bỏ những rào cản, hạn chế đối với hoạt động đầu tư kinh doanh; giảm thiểu các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo và đơn giản tối đa những thủ tục hành chính không cần thiết. Hay như nhưng chi phí hành chính, chi phí về vốn… vẫn ở mức cao như hiện nay đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Thạch Huê/TTXVN

“Phải đồng thời và cùng lúc có những giải pháp khắc phục. Chính những nút thắt này đã khiến cho 60% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động không có lãi hoặc kinh doanh thua lỗ trong năm 2016"- Chủ tịch VCCI cho biết.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động khó lường, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang chờ đợi những động thái từ Chính phủ kiến tạo để không chỉ hoàn thiện về cơ chế, chính sách và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần vai trò định hướng và dẫn dắt phát triển.

Nhà nước sẽ không chỉ tạo ra luật chơi, không chỉ làm trọng tài mà còn phải định hướng phát triển bằng các chiến lược, kế hoạch và quy hoạch. Các nền kinh tế thành công đều trên cơ sở kiến tạo với vai trò định hướng của Nhà nước.

Theo VCCI, năm 2016 là một năm kỷ lục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp thành lập mới. Với hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập cùng tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 900.000 tỷ đồng.

Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế tương lai đã có nhiều cải thiện.

Nếu không có niềm tin vào Chính phủ, vào những cam kết của Chính phủ trong các kế hoạch phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ không thể có con số hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới như năm qua.

Tất nhiên, năm 2016 là năm đầu tiên của Chính phủ mới, nên thời gian chưa đủ để cộng đồng kinh doanh thực sự cảm nhận được sự thay đổi trong thực tế, nhưng thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm 2016 cũng đã có hàng loạt giải pháp được Chính phủ thực hiện liên quan tới việc cải thiện các quy định về đầu tư và kinh doanh như cải cách Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014… hay việc bãi bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh qua các thông tư, nghị định và văn bản pháp luật.

Cùng với đó, tại nhiều địa phương, chính quyền các cấp cũng đã có những thay đổi tương ứng rõ rệt bằng cách cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay triển khai chấm điểm đến từng sở, ngành, quận, huyện, xã phường và từng công chức trên cơ sở đánh giá của người dân và doanh nghiệp.

Một số địa phương đã thành lập trung tâm hành chính công, tổ chức lại cơ quan xúc tiến đầu tư theo mô hình mới, kết hợp với thực hiện Chính phủ điện tử… Cùng với đó là triển khai những giải pháp kỹ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp và sự minh bạch, liêm chính của cán bộ công chức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục