"Chảo lửa" chống buôn lậu vẫn luôn nóng

08:30' - 03/01/2016
BNEWS Không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường vẫn còn tình trạng tiêu cực, làm chưa hết trách nhiệm, bao che, sự phối hợp của các địa phương... chưa đều.
Lực lượng Hải quan Chi cục cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra số hàng buôn lậu và hàng cấm thu giữ. Ảnh: Thái Thuần-TTXVN

Câu chuyện chống buôn lậu không chỉ mới xuất hiện mà đã tồn tại nóng bỏng qua rất nhiều năm. Với những “bật mí” mà người trong cuộc tiết lộ và sự lộng hành của giới buôn lậu thì cuộc chiến này dường như không có hồi kết.

Dù các thủ đoạn, chiêu thức của giới buôn lậu và các “cung đường hàng lậu” đã được cơ quan chức năng đều nắm chắc trong lòng bàn tay, nhưng chỉ với cách lý giải là “cái khó bó cái khôn” đã khiến công tác này chưa tìm được "phương thuốc đặc trị".

*Chảo lửa luôn nóng

Tết Nguyên đán càng đến gần thì tại các cửa khẩu vùng biên lại càng trở nên "nhộn nhịp" hơn bao giờ hết. Ngày nào cũng vậy từ mờ sáng tới lúc đóng cửa khẩu, lực lượng chức năng đều phải làm việc hết công suất.

Lợi dụng chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu nếu hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người, các đầu nậu đã thuê chính những người dân nghèo hàng ngày đi vận chuyển hàng hay còn gọi là đi ‘nài”.

Qua biên giới thành công, các đầu nậu lại thu gom hàng hóa và tìm cách “qua mắt” các lực lượng chức năng để tiến sâu vào nội địa. Phải chăng do quá quen những gương mặt cũ kỹ này mà lực lượng chức năng nhiều lúc lơ là, không sát sao trong kiểm tra kiểm soát khiến công tác chống lậu đã khó lại càng thêm khó.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, phương thức mới mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng là lợi dụng địa hình đường biên giới sát các khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, tập kết hàng lậu từ bên kia biên giới Trung Quốc rồi thuê cửu vạn “cõng” hàng đi theo đường mòn đến một số điểm tập kết, sau đó bốc lên ôtô và tiến sâu vào nội địa.
Mặt khác, để tránh bị để ý, các đối tượng này còn xé lẻ hàng hoá, dùng đò vận chuyển qua sông, thuê cửu vạn vác hàng qua các đường mòn biên giới vào những giờ cao điểm sau đó đưa lên các xe container, xe tải nhỏ, xe khách chạy các tuyến Móng Cái đi Hải Hà, Đầm Hà, Cẩm Phả, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định…

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Tân Thanh kiểm tra số hàng hóa nhập lậu vừa bị bắt giữ. Ảnh: Thái Thuần-TTXVN

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển với tốc độ cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng. Hơn nữa, công tác đấu tranh về phương tiện, công cụ vừa yếu lại vừa thiếu khiến hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường vẫn còn tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho tình trạng vi phạm; sự phối hợp của các địa phương dù nỗ lực nhưng chưa đều là những nguyên nhân khiến chảo lửa vẫn luôn nóng.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương cho hay, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp.

Tình trạng ùn tắc hàng hóa từ phía Trung Quốc cùng việc chủ hàng nâng mức chi phí cho người mang vác thuê dẫn đến hoạt động buôn lậu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những diễn biến mới.

Đối tượng vi phạm ngày càng manh động, chống đối liều lĩnh, khi bị xử lý hành chính thì có thái độ trây ỳ, bất hợp tác, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.
Là đơn vị triển khai trực tiếp, ông Nguyễn Công San, Chi cục Phó Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tỏ ra e ngại khi chỉ riêng trong tháng 11 các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã thanh, kiểm tra 4.289 vụ với tổng số vụ xử lý là 2.111 vụ; trong đó hàng cấm nhập lậu là 196 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ là 91 vụ, gian lận thương mại 1.730 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá hàng chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy là 263,39 tỷ đồng.

*Siết chặt kỷ cương

Để kiểm soát tốt tình trạng này, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, 29 đội quản lý thị trường của Tp. Hồ Chí Minh tăng tần suất kiểm tra và làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật để kịp thời ngăn chặn và xử lý hàng gian, hàng giả và buôn lậu.

Trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia, các loại thực phẩm, hàng may mặc và điện tử... Ngoài ra, Chi Cục Quản lý thị trường thành phố cũng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng nơi có đường biên giới như Long An, Tây Ninh trong phòng chống buôn lậu, ngăn chặn hàng lậu tuồn về thành phố để tiêu thụ.

Lực lượng Hải quan tỉnh Quảng Trị kiểm tra hàng hóa từ nội địa nhập vào Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Còn theo ông Trịnh Văn Ngọc, Cục Quản lý Thị trường đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Bính Thân 2016.

Theo đó, đợt kiểm tra được triển khai trên nhiều mặt, từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, hội chợ đến các kho hàng, bến bãi trạm xe trung chuyển hàng hóa, cảng, ga hàng không, đường sắt...

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, lực lượng chức năng quá mỏng, trung bình chưa đến 100 người/địa bàn, chưa tính đến các địa bàn trọng điểm; trong khi đó các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lại đi vào hoạt động ngầm và tinh vi hơn.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Phó Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu các lực lượng chức năng phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm để răn đe đối với các hành vi tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng cho phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới cần có ngay kế hoạch phối hợp với các nước bạn để phát hiện những thủ đoạn mới giúp phòng chống buôn lậu đạt hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục