Chuyển đổi gần 2.200 ha để phòng tránh hạn mặn

13:23' - 05/04/2017
BNEWS Chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu đang được khuyến khích nhằm tạo ra cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích hợp tại những địa bàn khó khăn.
Chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Hoài Thu - TTXVN

Vụ Đông Xuân 2016 – 2017, Tiền Giang đã chuyển đổi sản xuất gần 2.200 ha từ trồng lúa sang các cây trồng khác, chủ yếu là rau màu, sả, dưa hấu, bắp... mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân những địa bàn canh tác khó khăn, thiên nhiên khắt nghiệt có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nông dân Nguyễn Văn Hùng, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông - một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sả trên chân ruộng cho biết, huyện giáp biển này có điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, trồng lúa gặp rất nhiều rủi ro từ thiên tai.

Gia đình anh Hùng có 1,65 ha đất đã mạnh dạn chuyển đổi theo hướng đưa cây sả xuống trồng chuyên canh trên chân ruộng. Trung bình mỗi năm, bán sả và trừ chi phí vẫn lãi ròng gần 100 triệu đồng. Mô hình trồng sả trên chân ruộng thích ứng biến đổi khí hậu đang được nhân rộng tại huyện Tân Phú Đông mở ra những hướng sản xuất mới.

Tương tự, ông Trần Văn Tươi cư ngụ tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè chia sẻ, Mỹ Đức Đông nằm trong địa bàn đầu nguồn thường xuyên đối mặt với lũ lụt trên sông Tiền. Gia đình ông có 7.000 m2 đất trồng lúa. Nhận thấy độc canh cây lúa nhiều rủi ro, thu nhập thấp, ông chuyển đổi sang đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng theo mô hình lúa cộng dưa.

Vụ Đông Xuân, ông dành 4.000 m2 đất trồng dưa hấu, còn lại trồng lúa; vụ Hè Thu tới, gia đình chuyển đổi 4.000 m2 đã trồng dưa hấu sang trồng lúa và 3.000 m2 đất đã trồng lúa sang trồng dưa hấu; cứ thế luân vụ trong năm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trung bình khoảng 60 triệu đồng từ mô hình này; trong đó, lợi nhuận từ dưa hấu chiếm đến 2/3 tổng số.

Kỹ sư Nguyễn Thị Yến Oanh, Trạm Khuyến nông Cái Bè cho biết, địa phương này đã mở rộng diện tích màu trên chân ruộng lên 50 ha với những cây trồng chủ lực: dưa hấu, bầu, bí, cà, dưa leo, khổ qua,... Để hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, năm vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Cái Bè đã kết hợp cùng lãnh đạo xã Mỹ Đức Tây tổ chức 4 cuộc chuyển giao kỹ thuật thu hút trên 150 lượt nông dân tham gia.

Ông Cao Văn Hóa - quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu đang được khuyến khích nhằm tạo ra cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích hợp tại những địa bàn khó khăn.

Điển hình như trong vụ Đông Xuân, nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công) đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu thực phẩm cung ứng cho thị trường.

Trồng màu trên chân ruộng tiết kiệm được nguồn nước tưới tiêu, thích ứng điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn được tỉnh xác định là nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.

Trước mắt, tỉnh đã triển khai đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông” giai đoạn 2016 – 2020 mà cây màu, cây ăn trái... là những cây trồng chủ lực địa phương khuyến khích đưa xuống chân ruộng tại những khu vực đặc biệt khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục