“Đặc sản” của người vùng cao

08:30' - 10/02/2016
BNEWS “Đặc sản của người vùng cao cho dịp tết nhiều lắm, bánh chưng này, lợn quay lá mắc mật nữa, lạp sườn gác bếp…”
“Đặc sản” của người vùng cao. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Mỗi độ Xuân về, gia đình bà Quản vui lắm. Tuy nhà bà không có đặc sản đắt tiền như dưới Hà Nội nhưng đây lại là dịp để người già, người trẻ quây quần bên nồi bánh chưng cẩm, một món ăn không thể thiếu của dân tộc Tày mỗi độ Tết đến Xuân về.

Câu chuyện bên nồi bánh chưng cũng thật giản dị chỉ xoay quanh cuộc sống thường ngày của những đứa con, cháu xa quê nhưng làm ấm lòng người già như bà.

Tâm sự này được bà Vi Thị Quản, dân tộc Tày, huyện Văn Quan, Lạng Sơn rưng rưng kể lại về cái Tết của người vùng cao.

*“Đặc sản” ăn được, uống được

Không giấu nổi vẻ tự hào khi được hỏi đến đặc sản của người Tày, Lạng Sơn, bà Vi Thị Quản chẳng ngần ngại chia sẻ: “Đặc sản cho dịp tết à, thế thì nhiều lắm cháu à, bánh chưng này, lợn quay lá mắc mật nữa, lạp sườn gác bếp…”.

Say sưa với câu chuyện, bà Quản đã đưa tôi từ đặc sản này tới đặc sản khác của miền quê xứ Lạng. Theo bà, để có mâm cỗ đúng kiểu người Tày không thể thiếu món bánh chưng cẩm. Khác với bánh chưng thường thấy của người miền xuôi, bánh chưng cẩm được gói dài giống bánh tét.

Ngoài nguyên liệu thông thường: nếp, đậu, thịt, lá dong thì không thể thiếu lá cẩm, nguyên liệu làm nên nét đặc trưng riêng của món ăn này.

Để có được màu tím của vỏ bánh, các bà, các mẹ kiên nhẫn ngồi giã lá cẩm, sau đó lấy chính nước này trộn chung với nếp. “Lá cẩm có tính mát, tác dụng thanh nhiệt, chữa được một số bệnh ngoài da. Nhờ đó, ăn bánh chưng cẩm cũng không cảm thấy nóng như các loại khác. Người Tày còn sử dụng loại lá này làm nước tắm chữa rôm sảy cho trẻ nhỏ”, bà Quản chia sẻ.

Một món ăn nữa của vùng quê xứ Lạng không thể thiếu mỗi dịp lễ tết đến chính là lạp sườn gác bếp. Về hình dáng, lạp sườn gác bếp cũng thuôn, dài như xúc xích người miền xuôi nhưng cách làm, nguyên liệu lại có nét rất riêng mà chỉ trên vùng cao mới có được.

Thịt lợn quay đòn, “đặc sản” của người vùng cao. Ảnh: Nguyễn Quang Minh

Lạp sườn được làm bằng thịt nạc vai của lợn sạch rồi tẩm ướp gia vị. Nhưng điểm đặc biệt của món ăn này chính là hương vị riêng của củ gừng núi đá. Đây chính là nguyên liệu tạo nên mùi thơm đặc trưng của món ăn này cũng như giúp bảo quản tốt món ăn.

Theo câu chuyện, bà lại đưa đưa tôi đến một đặc sản thiên nhiên ban tặng cho vùng quê Xứ Lạng, đó chính là rượu Mẫu Sơn. Bà Quản chia sẻ: “Rượu Mẫu Sơn không phải của người Tày đâu, đặc sản của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn đấy, nhưng bà con xứ Lạng ai cũng thích uống. Tết đến, hầu như nhà nào cũng có”.

Chẳng ngần ngại, bà Quản tự hào đọc 2 câu thơ nói về thứ rượu “say” lòng người này: “Trên núi mẹ có mây giăng tuyết phủ; Có rượu em tình ngất ngây thắm nồng”. Bà Quản cho biết, đây là loại rượu được chưng cất thủ công, cổ truyền từ gạo và nước tinh khiết của các con suối trên núi và hơn 30 loại thảo dược quý hiếm.

Rượu mẫu sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm. Uống vào không có cảm giác nóng. Hương vị thơm nồng, đậm đà, đặc trưng của các loại lá, rễ cây.

*Tấm lòng “Đặc sản”

Ông Nông Văn Bủng, người dân tộc Nùng chia sẻ: “Gia đình bác đã chuyển lên miền xuôi từ nhiều năm nay. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần tết là bác lại mong ngóng về quê, chẳng để làm gì đâu cháu, dăm ba câu chuyện hỏi thăm nhau thôi, thế mà cũng cảm thấy trẻ ra mấy tuổi. Về đến quê, ngay cả hàng xóm cũng cảm thấy như người nhà”.

Đem cái thắc mắc “hàng xóm” như người nhà hỏi bác, bác Bủng vui vẻ kể lại :"Cháu tưởng tượng nhé, tết đến, gia đình bác mổ một con lợn, nhà hàng xóm cũng xúm vào hỗ trợ. Người thì giúp mổ, người thì giúp quay lợn.

Mọi người cứ thay phiên giúp đỡ nhau miễn sao ai cũng có một cái tết vui vẻ, đầm ấm. Chẳng hiểu vùng quê khác thế nào chứ quê bác là thế đấy”.

Tiếp lời ông Bủng, anh Vi Văn Hợi cũng chia sẻ, cái tết ở vùng cao vẫn còn giữ được nhiều bản sắc riêng và rất đầm ấm. Vì vậy, dù công tác tận Lai Châu nhưng anh vẫn thu xếp công việc để về quê đón tết cùng gia đình ở Lạng Sơn.

Anh Hợi vui vẻ nói: “Tết đến mình nhớ nhất nồi bánh chưng. Nhớ hương vị bánh chưng quê nhà đã đành. Nhớ nhất là cái không khí đầm ấm bên gia đình, bạn bè, có lẽ đây cũng là dịp duy nhất trong năm mà bạn bè, người thân về đông đủ”.

Ở cái đất vùng cao còn nhiều sỏi đá, ngoài người già, người trẻ háo hức mong đến tết thì ngay cả trẻ em cũng không kém phần. Ảnh: Nguyễn Quang Minh

Tâm sự về những câu chuyện được đề cập xung quanh nồi bánh chưng, anh Hợi háo hức: “Đám thanh niên đi làm xa như chúng mình về ăn tết có nhiều chuyện để "buôn" lắm.

Mà hình như khi ngồi trong cái không khí như vậy, đứa nào cũng dễ trải lòng về câu chuyện đời, chuyện công việc hơn. Chúng mình như tìm lại được cái thời còn trẻ trâu, bô lô, ba la mọi thứ. Thích chém gió thì chém, chém bão cũng chẳng sợ ai cười. Mình thích ngồi bên nồi bánh chưng có lẽ bởi được trở về đúng con người mình”.

Ở cái đất vùng cao còn nhiều sỏi đá này, ngoài người già, người trẻ háo hức mong đến tết thì ngay cả trẻ em cũng không kém phần. Cháu Diệu Châm líu lo: “Cháu thích tết lắm. Đến tết, anh chị mua nhiều quần áo đẹp cho cháu. Bố mẹ cháu mổ lợn, mua nhiều thức ăn ngon”.

Nhìn đứa cháu líu lo trả lời, bà Quản góp vui: “Tết vùng cao là thế đấy, chẳng bằng được dưới xuôi đâu. Nhưng chúng tôi cũng thấy vui rồi, quan trọng là tới với nhau bằng tấm lòng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục