"Giấc mơ châu Âu" ngày càng xa vời

07:22' - 31/10/2015
BNEWS Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng đang đe dọa phá tan "lục địa già cỗi" này thay vì đưa các nước thành viên xích lại gần nhau hơn để cùng hiện thực hóa giấc mơ hội nhập châu Âu đầy tham vọng.
Giấc mơ châu Âu ngày càng xa vời. Ảnh Reuters

Jean Monnet - "cha đẻ" của Liên minh châu Âu (EU) - từng viết trong hồi ký của ông rằng "châu Âu sẽ cùng nhau vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng". Thế nhưng, câu chuyện ngày càng diễn biến phức tạp và ngoài dự liệu.

Các nhà lãnh đạo tại khu vực đầy chia rẽ này đã và đang phải vật lộn với không ít thách thức nghiêm trọng, từ nguy cơ "Brexit" (khả năng nước Anh rời khỏi EU) hay "Grexit" (khả năng Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng euro), đến làn sóng người di cư khổng lồ hay cuộc đối đầu với Nga liên quan tới tình hình Ukraine...

Ngôi nhà chung lung lay

Hàng loạt cuộc khủng hoảng trầm trọng trong thời gian qua đã đào sâu thêm chia rẽ giữa các nước thành viên EU, điều luôn âm thầm tồn tại trong liên minh gồm 28 thành viên với tổng dân số vào khoảng 500 triệu người, và cùng hình thành nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Châu Âu đang bị lung lay và bị nguy cơ nước Anh rời khỏi EU hay "Grexit" đe dọa.

Dù cho Hy Lạp đã phải "uốn mình" để ở lại Khu vực đồng euro, nhưng cuộc chiến chống các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đầy khắc khổ không phải đã kết thúc và được tất cả người dân chấp nhận.

Theo báo chí Đức, EU/Eurozone đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề Hy Lạp. Để Hy Lạp rời khỏi Eurozone là một kịch bản không mong muốn với nhiều hệ quả chính trị-kinh tế chưa thể lường trước.

Tuy nhiên, tiếp tục bơm tiền để ổn định Hy Lạp lại là một giải pháp quá tốn kém và không hiệu quả.

Trong khi đó, sự ổn định chính trị và xã hội của Eurozone phải được đặt lên hàng đầu, ít nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính, bởi châu Âu đang không yên ả khi các cuộc bầu cử liên tiếp diễn ra ở nhiều nước.

Dòng người nhập cư từ Syria đổ vào châu Âu đang gây mất ổn định xã hội tại "Lục địa già". Ảnh: Reuters

Đáng quan ngại nhất là ở Bồ Đào Nha, khi mà các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới đã không đạt tiến triển sau cuộc bầu cử hôm 4/10 và Tây Ban Nha (diễn ra vào tháng 12 tới).

Dù cho Chính phủ nước Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc họ "ra đi" hay "ở lại" EU vào năm 2017 song các chiến dịch vận động ủng hộ nước này tiếp tục ở lại EU diễn ra song song với chiến dịch ủng hộ nước Anh tách khỏi EU.

Mối quan hệ giữa nước Anh và EU hết sức đặc biệt. Vương quốc Anh có lợi từ thị trường nội địa châu Âu và cũng đóng góp cho thị trường này. Giới kinh doanh ở trung tâm tài chính London đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ EU.

Tất cả các kịch bản được tính đến đều cho thấy việc nước Anh rời khỏi EU sẽ gây ra một tác động lớn đối với nền kinh tế Anh.

Việc nước Anh hay Hy Lạp rời khỏi châu Âu sẽ làm suy yếu đáng kể dự án châu Âu mà trước hết là một dự án chính trị. Do vậy cần thảo luận xung quanh một bàn đàm phán giữa 28 nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ hơn là gây chiến với nhau.

Khủng hoảng di cư gây chia rẽ

Khu vực Schengen: Biểu tượng của hội nhập tại châu Âu. Ảnh: bbc.net

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của hội nhập châu Âu là việc người dân được đi lại tự do xuyên biên giới không cần hộ chiếu - lại đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng đe dọa giá trị cốt lõi của châu Âu.

Nhiều nước châu Âu đang tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh châu lục này đang vật lộn để giải quyết làn sóng di cư ngày một dâng cao.

Thay vì được thấy một tinh thần đoàn kết và nhân đạo của EU trong việc giải quyết thách thức từ làn sóng di cư ồ ạt, kéo theo hệ quả là hàng nghìn người thiệt mạng khi cố gắng chạy trốn khỏi chiến sự ở Syria, Afghanistan và Iraq.

Điều mà thế giới chứng kiến chỉ là các cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên về việc phân chia hạn ngạch người tị nạn, con số chỉ bằng khoảng 0,032% tổng dân số của liên minh này.

Có thể nói cuộc khủng hoảng di cư là một cuộc khủng hoảng sâu sắc về tình đoàn kết và giá trị. Châu Âu đã luôn chứng tỏ tình đoàn kết với các nước châu Âu khác, song điều đó đã trở thành dĩ vãng.

Giải pháp hiệu quả nhất có thể là dung hòa các chính sách về người tị nạn của các nước thành viên khác nhau trong EU, ở cả cấp độ ra quyết định và cả cấp độ về mặt thủ tục. Hiện tại EU đang phải đối mặt với những khác biệt lớn, nhất là vấn đề lựa chọn nước tiếp nhận của người xin quy chế tị nạn.

Sau hội nghị được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) triệu tập, các nước châu Âu đã ký một thỏa thuận ở mức tối thiểu cho phép các nước thành viên không muốn tiếp nhận người tị nạn có thể buộc họ quay trở lại Áo.

Trên thực tế, đó là sự chối bỏ tình đoàn kết giữa các nước thành viên: các nước không muốn du nhập vào lãnh thổ của họ một vấn đề liên quan tới an ninh.

Cải cách  mạnh mẽ

Theo cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, người hiện lãnh đạo phe Tự do trong Nghị viện châu Âu, những cuộc khủng hoảng hiện nay đang đe dọa "nghiền nát trái tim châu Âu và trọng tâm của kế hoạch xây dựng một châu Âu thống nhất".

Hàng loạt cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển "lục địa Già" càng làm gia tăng nguy cơ các nước đơn phương hành động để bảo vệ biên giới hay nền kinh tế của họ khỏi sự đổ vỡ, đe dọa hủy hoại mục tiêu chung của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker gần đây yêu cầu các nước phải hành động "vì châu Âu" hơn nữa và nhắc lại lời kêu gọi của Brussels về mục tiêu hội nhập châu Âu sâu sắc hơn để giữ vững những lý tưởng và trọng tâm của liên minh này.

Hoàng Hà/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục