Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn còn chậm

15:44' - 20/08/2015
BNEWS Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vừa là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn vừa là con đường ngắn nhất để đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay để phát triển sản xuất hàng hóa, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của cư dân nông thôn.

Phương thức và tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu; mức độ gắn kết của khu vực nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ thấp; chất lượng của đa số sản phẩm nông nghiệp chưa cao...Đây là những hạn chế được nhiều nhà khoa học chỉ ra tại hội thảo “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Quốc Huy/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp; phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thể hiện qua nhiều chủ trương, chiến lược và chính sách lớn qua các kỳ đại hội Đảng trong 30 năm đổi mới. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn và đã đạ được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp, nông thôn thời góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trong những năm qua diễn ra còn chậm so với mục tiêu cũng như so với các nước đi trước ở cùng giai đoạn phát triển. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm và kết quả đạt được chưa đồng đều. Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu…

Ông Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, những hạn chế yếu kém nêu trên chủ yếu do nhận thức, nhất là nhận thức về về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đầy đủ; chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường; chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trong tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn là khu vực chậm phát triển, phát triển thiếu bền vững. Hiện nay, đang còn không ít khó khăn như đầu tư cho nông, lâm nghiệp, thủy sản chưa tương xứng với vị trí, vai trò của các ngành kinh tế này.

Cùng với đó, mô hình tổ chức, quản lý sản xuất chưa ổn định, cơ cấu kinh tế còn thuần nông, công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chưa tương xứng, nên sức ép về việc làm ở nông thôn vẫn rất lớn, thị trường nông thôn yếu kém tác động tiêu cực đến “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất nông nghiệp... Tất cả những điều đó làm cho nông nghiệp, nông thôn có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với công nghiệp, dịch vụ ở thành thị.

Vì vậy, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vừa là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn vừa là con đường ngắn nhất để đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay để phát triển sản xuất hàng hóa, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của cư dân nông thôn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần rà soát các quy hoạch đã có, xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; khai thác lợi thế kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần tập trung các nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy mạnh CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo (Ảnh: Quốc Huy/TTXVN)
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, qua 30 năm đổi mới, trong giai đoạn 1986-2013, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt bình quân 3,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tính đến năm 2014, đóng góp GDP của khu vực này trong nền kinh tế còn hơn 18%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 70% trong những năm 1990 còn khoảng 47%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2014. Cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, nòng cốt là HTX từng bước được đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được cải thiện; chính trị - xã hội, trật tự an toàn khu vực nông thôn ổn định./.

Quốc Huy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục