Kiến tạo nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

07:43' - 20/05/2017
BNEWS Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong những xu hướng tất yếu hiện nay.
Chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, nhưng nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại không ít những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong những xu hướng tất yếu hiện nay.

Trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.

Giải pháp hạn chế lãng phí tài nguyên

Đánh giá của các nhà khoa học cho thấy, khoảng 5 năm gần đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được Nhà nước quan tâm, thể hiện qua các chủ trương, chính sách lớn như: Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ hình thành và phát triển gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và từ  3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như: công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất.

Rau được trồng trong hệ thống nhà màng, với hệ thống tưới phun sương, tiết kiệm, áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Với việc tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng vật nuôi, quá trình sản xuất dễ dàng đạt được hiệu quả theo quy mô. Do đó, tạo ra nền sản xuất lớn với lượng sản phẩm đủ để cung cấp cho quá trình chế biến công nghiệp.

Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản sản xuất theo công nghệ cao có lợi thế về quy mô và chi phí thấp là các yếu tố đảm bảo các sản phẩm nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, ít nhất là chi phí vận chuyển và maketing.

Chẳng hạn như trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, doanh thu đạt từ 120 – 150 triệu đồng/ha, gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống.

Các mô hình trồng hoa, cây cảnh ở Đà Lạt và chè ô long ở Lâm Đồng với dây chuyền sản xuất khép kín cây giống, ươm, chăm sóc, thu hoạch trong nhà lưới với hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel đã cho năng xuất và chất lượng sản phẩm cao hơn hẳn cách sản xuất truyền thống, sử dụng màng phủ.

Cùng với đó là sự tham gia của các Tập đoàn, công ty và các doanh nghiệp lớn đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực này như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hòa Phát và mới đây là Tập đoàn Vingroup đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc với diện tích trên 1.000ha trồng rau và hoa. Điều đó càng minh chứng cho sự phát triển của loại hình nông nghiệp này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, nông nghiệp Việt Nam luôn là trụ đỡ nền kinh tế của đất nước, song hiện nay lại chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và còn là một nền nông nghiệp có chi phí lớn, đời sống người nông dân chưa cao.

Vẫn còn tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, canh tác lạc hậu, lúa nước vẫn chiếm phần chủ đạo; xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp khó khăn. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Các chuyên gia cũng cho hay, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư rất khiêm tốn trên tổng số hàng nghìn doanh nghiệp nông nghiệp.

Một trong những nguyên nhân chính là các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, trong khi nguồn vốn ưu đãi lại rất khó tiếp cận và nông nghiệp công nghệ cao lại là lĩnh vực cần nhiều vốn và thời gian thu hồi lâu.

Ngoài ra, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp khó khăn về đối tượng. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mới chỉ có hơn 3.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao do vốn ít, thiếu quỹ đất phát triển sản xuất, đầu tư nhiều rủi ro.

Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, độ đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp; khả năng liên kết của nông dân còn hạn chế…

Mặt khác, môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến điều kiện sản xuất, năng suất và chất lượng cây trồng, trong khi nhu cầu thiết yếu của con người về các sản phẩm xanh, sạch ngày càng cao.

Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp - nông thôn Việt Nam chiếm 70% về diện tích, gần 70% số dân, 46% số lao động cả nước, song phần lớn số lao động trong độ tuổi lại chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Hình thành nền nông nghiệp sạch, thông minh

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã tiến hành nhiều giải pháp.

Theo đó, Chính phủ đang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tích tụ được ruộng đất để sản xuất lớn.

Việc Thủ tướng “nhấn nút” khởi động gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và hàng loạt chính sách mới đang được các ngành tích cực triển khai được kỳ vọng tạo ra động lực mạnh mẽ, khuyến khích khởi nghiệp cũng như thu hút đầu tư và tạo đà cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển.

Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết “điểm nghẽn” một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp. Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt ngân hàng đã tích cực hưởng ứng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, một trong những yếu tố khi cho vay các ngân hàng đều phải tính đến hiệu quả, đúng hơn là người vay có trả nợ được không, trên cơ sở tiêu thụ được sản phẩm. Ví như vay để chăn nuôi lợn như vừa rồi nếu tiêu thụ không được, lập tức nợ xấu xuất hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích nhiều hơn nữa khởi nghiệp nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây trong làm nông nghiệp công nghệ cao.

Đi liền với đó là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ và phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn lực xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành chức năng tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng bao bì, xây dựng thương hiệu để phục vụ xuất khẩu đến đảm bảo tốt đầu ra cho nông sản.

Các địa phương quy hoạch sử dụng đất theo hướng mở rộng hạn điền để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ về hạ tầng điện, nước cho nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích áp dụng giống mới, khoa học công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao.

“Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao. Chính phủ sẽ quyết liệt bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao”, Thủ tướng cho hay.

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn bày tỏ, cần đẩy mạnh sàn giao dịch hàng hóa để kết nối và minh bạch thị trường tiêu thụ nông sản công nghệ cao. Toàn bộ cơ sở dữ liệu được các tổ chức tín dụng tiếp cận, làm cơ sở để thẩm định phương án sản xuất, kinh doanh.

Một mặt giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể giảm các chi phí giao dịch, giúp ngân hàng quản lý các khoản vay. Qua đó sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như một hình thức kinh doanh có lãi chứ không phải thực hiện nhiệm vụ cho vay khu vực ưu đãi.

Khi đó, đơn vị rót vốn còn là một kênh tham gia thẩm định, khẳng định tính hiệu quả của dự án, khâu nối được mối liên kết giữa các bên gồm: quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và đối tác tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng chung của nền nông nghiệp thế giới, đặc biệt Việt Nam phải coi đây là một lợi thế, một cơ hội.

Bởi, bình quân đất đai trên đầu người ở Việt Nam rất thấp, nhưng lại  đa dạng về tài nguyên sinh học. Muốn thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, không thể không có nguồn lực.

Trước mắt, theo Bộ trưởng, một số chính sách tháo gỡ những nút thắt về đất đai hoặc chương trình về gói tín dụng nhằm khuyến khích, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sẽ được các ngành chức năng rà soát, thực hiện.

Những điều chỉnh trước mắt đó sẽ động viên các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nông dân, các Hiệp hội cùng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, muốn tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển đúng quỹ đạo, bền vững cần quan tâm tới các yếu tố cụ thể như: tài sản thế chấp, điều kiện vay tín chấp, lãi suất, kỳ hạn cho vay…, điều kiện phù hợp với thực tế của từng dự án nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và ngân hàng quản lý tốt rủi ro tín dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình đề xuất điều chỉnh Luật Đất đai nhằm tạo thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các Bộ, ngành chức năng cũng xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bộ Tài chính cũng đang đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trình Chính phủ; trong đó nổi bật là việc ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao với những hỗ trợ cụ thể, về hạ tầng, thương hiệu, xúc tiến thương mại nông sản.

 * Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Chính phủ, cả nước hiện có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động với nhiều mô hình rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm tại Vĩnh Phúc; trồng chè tại Thái Nguyên...

* Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, hiện có 8 ngân hàng thương mại đăng ký cho vay gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao với số vốn hơn 100.000 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đã đạt 26.000 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp). Trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ, cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng và hiện chưa phát sinh nợ xấu.

>>> Cho vay nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng phải tính đến hiệu quả đầu tư

>>> Chính sách mở rộng hạn điền: Cần tính thực tiễn nhiều hơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục