"Mánh" lách luật, giữ đất cho các dự án đầu tư ở thành phố Huế

09:29' - 12/01/2016
BNEWS Các dự án đã cấp phép đầu tư nếu quá 24 tháng không triển khai sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư, buộc chủ đầu tư phải nộp các khoản thuế đất theo quy định.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện có ít nhất khoảng 20 dự án đầu tư chậm tiến độ sẽ bị thu hồi trong thời gian tới. Trong đó có 6 dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, 4 dự án tại các khu công nghiệp, còn lại là các dự án đầu tư khác trên địa bàn. Đặc biệt có các dự án đầu tư tại các khu đất "vàng" ở thành phố Huế không thể thu hồi do thiếu chế tài để xử lý.

Hiện có ít nhất khoảng 20 dự án đầu tư chậm tiến độ sẽ bị thu hồi trong thời gian tới. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo quy định của Luật Đất đai, để thu hồi dự án chậm tiến độ và thu hồi đất, tỉnh phải tổ chức đấu giá lại để bồi thường tài sản cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh hiện tại không đủ khả năng để thực hiện bồi thường cho nhà đầu tư hoặc bồi thường nhưng lại không có nhu cầu sử dụng tài sản đã đầu tư, sẽ tạo ra sự lãng phí khác.

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép các nhà đầu tư được tìm kiếm các đối tác có năng lực để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẵn sàng làm cầu nối để giới thiệu một số đối tác có năng lực cho các nhà đầu tư để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Đây chính là kẽ hở trong quy định mà các chủ đầu tư ở Thừa Thiên - Huế tìm cách khai thác để "giữ đất" hiện nay.

Tuy nhiên, trong đó có các dự án đầu tư tại các khu đất "vàng" ở thành phố Huế không thể thu hồi do thiếu chế tài để xử lý.

Cụ thể, là Dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long.

Sau khi đầu tư xây dựng phần thô công trình, Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long đã chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Du lịch và Phát triển Đất Vàng vào ngày 9/6/2014.

Hiện tại, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Du lịch và Phát triển Đất Vàng đang hoàn chỉnh lại thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật để triển khai thi công theo đúng quy hoạch, dự án được duyệt.

Công ty cam kết hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào cuối năm 2016 với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng (bao gồm cả tiền đất); giai đoạn 2 sẽ triển khai sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với giá trị còn lại khoảng 600 tỷ đồng.

Tiếp đến là Dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tập đoàn Bưu chính Việt Nam đã có Quyết định số 150/QĐ-VNPT-HĐTV-ĐTPT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án tại số 4 đường Hà Nội, do Viễn thông Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 267 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 58 tỷ đồng, quy mô đầu tư tòa nhà văn phòng cao 7 tầng và 1 tầng hầm; tổng diện tích sàn 4.851 m2, tiến độ thực hiện Quý III/2015 đến Quý I/2018. Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư 209 tỷ đồng, quy mô xây dựng tòa nhà cao 12 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 18.200 m2, tiến độ thực hiện từ năm 2018 - 2020.

Đến nay, Viễn thông Thừa Thiên - Huế đã hoàn chỉnh lại phương án thiết kế, quy mô đầu tư dự án và được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất tại Công văn số 4411/UBND-XD ngày 22/8/2015, đang tiến hành các bước lập thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, xin cấp phép xây dựng để triển khai dự án.

Đối với dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại đường Nguyễn Tri Phương. Dự án có quy mô 2 tầng hầm + 15 tầng nổi; tổng diện tích sàn 17.189,8 m2; tổng diện tích khu đất 2.577m2. Đến nay, dự án đã hoàn thiện thi công phần thô của công trình, ước đạt hơn 80% khối lượng toàn công trình với giá trị thực hiện đến cuối năm 2012 khoảng 80 tỷ đồng, sau đó dừng dự án do tình hình kinh tế suy thoái.

Đến đầu năm 2015, công ty đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Viwaseen-Huế thành Công ty Đầu tư Kinh doanh nhà Thành Đạt và đổi tên dự án thành dự án Le Babilone De Hue.

Đồng thời, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh mục tiêu dự án từ siêu thị và cao ốc văn phòng thành khu thương mại, văn phòng cho thuê kết hợp căn hộ khách sạn, điều chỉnh mật độ xây dựng, công năng và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý tại Công văn số 3075/UBND-XD ngày 22/6/2015.

Hiện tại, Công ty đã thuê tư vấn lập lại thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 143 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng. Dự kiến các thủ tục này sẽ hoàn thành và khởi công lại vào cuối năm 2015 nhưng đến nay công trình vẫn đang trong tình trạng "án binh bất động".

Điều đáng nói là theo quy định của Chính phủ, các dự án đã cấp phép đầu tư nếu quá 24 tháng không triển khai sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư, đồng thời buộc chủ đầu tư phải nộp các khoản thuế đất theo quy định.

Tuy nhiên, tại Thừa Thiên - Huế, nhà đầu tư đã xây dựng một số hạng mục công trình thì không thể thu hồi được và doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục triển khai dự án; hoặc chủ đầu tư có thể "làm mới" dự án bằng cách xin điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư để tìm cách lách luật, kéo giãn thời gian thực hiện dự án. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục