Ngân sách năm 2016 vẫn rất căng thẳng

19:32' - 22/10/2015
BNEWS Mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng.

Phát triển doanh nghiệp tư nhân; vực dậy ngành nông nghiệp để trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và thu ngân sách Nhà nước năm 2016 là những vấn đề Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trăn trở và đề cập tại buổi thảo luận ở tổ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, ngày 22/10.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Đắk Lắk, Yên Bái, Nam Định, Quảng Bình thảo luận ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

* Phát triển doanh nghiệp tư nhân
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, một đất nước muốn tự chủ kinh tế thì doanh nghiệp của nước đó phải được phát triển. Doanh nghiệp nội địa phát triển thì mới hỗ trợ cho khu vực FDI và tiếp thu công nghệ của nước ngoài.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI, như Nhật Bản, muốn chuyển giao công nghệ, nhưng doanh nghiệp chúng ta không có nền tảng để nhận. Còn các doanh nghiệp trong nước kêu doanh nghiệp FDI không chuyển giao công nghệ là do họ không chuyển giao và thứ hai họ có chuyển giao thì doanh nghiệp trong nước cũng không có đủ năng lực tiếp nhận” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư cho rằng, một nền kinh tế không có lực lượng doanh nghiệp mạnh thì không thể là nền kinh tế mạnh, càng không phải là nền kinh tế tự chủ, bị phụ thuộc rất nhiều.

“Chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng thực tế là doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, quy mô nhỏ, đầu tư sản xuất ít, phần lớn làm dịch vụ. Không những thế, còn có những doanh nghiệp mua bán, ăn xổi, kinh doanh theo kiểu “chộp giật”. Còn những nền tảng sản xuất chính ở Việt Nam như công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo chúng ta làm rất ít"

"Những Nhà máy ô tô 3-2, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo trước đây, bây giờ vắng bóng, biến thành các đô thị. Thời bao cấp chúng ta còn có rất nhiều nhà máy cơ khí, làm nhiều việc lớn. Bây giờ tất cả các nơi đó biến thành khu đô thị. Sản xuất nền tảng của đất nước ngày càng mất đi. Đó là điều chúng ta rất đáng lo lắng. Không phải chúng ta phải bắt đầu từ công nghiệp cơ bản để đi lên. Vấn đề là nước nào cũng cần nền tảng công nghiệp, nhất là cơ khí chế tạo, thì mới tạo ra máy cái để sản xuất” - Bộ trưởng trăn trở.

Mặc dù, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều cho doanh nghiệp, ví dụ như: cải cách hành chính, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đề nghị làm luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực chất doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp tư nhân.

Do đó, Bộ trưởng đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020 phải nhấn mạnh đến phát triển kinh tế tư nhân. Đây sẽ là mục tiêu lớn nhất của nhiệm kỳ.
* Vực dậy ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế
Một trong những vấn đề cũng đã được Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến là làm sao để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước.

Cần phải phát triển nông nghiệp trong 5 năm tới (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng dẫn chứng: “Từ máy bay nhìn xuống, kể cả ở đồng bằng sông Cửu Long, ruộng đồng đã bị chia nát bét, ô ruộng bé tí bằng căn nhà. Trong khi đó, trước đây, ruộng thẳng cánh cò bay, còn bây giờ ruộng đồng đã được phân chia cho các hộ gia đình khiến cho cản trở đến nền sản xuất nông nghiệp lớn".

"Chúng ta mở cửa, không chuẩn bị kỹ, thì nông nghiệp là mảng bị tổn thương lớn nhất. Nhưng làm sao để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nông nghiệp thành trụ đỡ nền kinh tế này là vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cần phải phát triển nông nghiệp trong 5 năm tới; phải tìm cách nào để ngành nông nghiệp đi vào chất lượng, canh tác quy mô lớn, không canh tác hộ gia đình, phải có chủ trương về tích tụ đất đai.

“Làm sao phải giải phóng được tư tưởng, cho mua bán đất; phải mạnh mẽ lên vì đây là lực cản của đất nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
* Ngân sách năm 2016 vẫn rất căng thẳng
Mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi. Trong khi đó, con số thực để phân bổ hiện “vỏn vẹn” còn 45.000 tỷ đồng.

Cụ thể, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong ghi nhận khoản thu đã tăng khoản ODA giải ngân bình quân 5 năm 50.000 tỷ đồng/năm (các năm trước 20.000 tỷ đồng); tiền đất 50.000 tỷ đồng (các năm trước là 37.000 - 38.000 tỷ đồng), xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng (các năm trước không đưa vào). Ba khoản trên tới 69.300 tỷ đồng, vốn dĩ các năm đều có nhưng không đưa vào, nhưng nay cũng cộng vào.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, số tuyệt đối của Ngân sách Nhà nước năm 2014 là 255.750 tỷ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý, Trung ương còn 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài…, hiện còn 45.000 tỷ đồng.

“45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!” - Bộ trưởng chia sẻ.
Thành Trung - Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục