Nhộn nhịp làng nghề làm chỉ xơ dừa ven sông Thom

06:36' - 12/02/2016
BNEWS Ngày nay, hai bên bờ sông Thom không chỉ có hoạt động sản xuất chỉ xơ dừa, mà còn phát triển thêm một số nghề như: lột vỏ dừa, mua bán dừa trái, chặt cơm dừa, quay chỉ xơ dừa…

Người dân Bến Tre thường ví làng nghề làm chỉ xơ dừa cập bên sông Thom, thuộc địa phận xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre như một chợ nổi trên sông bởi hàng ngày thuyền cập bến, xuất bến chở đầy ắp dừa và các sản phẩm từ dừa. Đặc biệt, chợ dừa hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm, không khí lúc nào cũng tất bật, nhộn nhịp.

Sông Thom còn gọi là kênh Mỏ Cày được đào từ năm 1905, là tuyến lưu thông thủy giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Những năm gần đây các cơ sở sản xuất, dịch vụ của làng nghề chỉ xơ dừa bên sông Thom hoạt động không khác gì chợ phiên mua bán dừa.

Nghề làm chỉ xơ dừa xuất phát từ xã An Khánh, sau đó lan rộng sang bên kia sông – xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc). Ngày nay, hai bên bờ sông Thom không chỉ có hoạt động sản xuất chỉ xơ dừa, mà còn phát triển thêm một số nghề như: lột vỏ dừa, mua bán dừa trái, chặt cơm dừa, quay chỉ xơ dừa…

Người dân huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Trese chỉ xơ dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Đến thăm làng nghề làm chỉ xơ dừa, ai cũng ví đây là chợ nổi dừa trên sông bởi hàng ngày, tàu ghe xuôi ngược khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long để thu mua dừa trái chở về làng nghề.

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh tập trung ở ấp Vĩnh Khánh, được hình thành từ khoảng năm 1980. “Lúc đó chỉ có hai cơ sở, đến nay làng nghề đã có 43 cơ sở, 6 công ty và một doanh nghiệp chuyên sản xuất chỉ xơ dừa, chỉ xơ dừa ép kiện, ép mụn chỉ xơ dừa...

Làng nghề thu hút hơn 1.000 lao động trong xã và các xã lân cận làm gia công các sản phẩm từ dừa như: chặt cơm dừa, phơi mụn dừa, lột vỏ dừa,... Bình quân mỗi lao động thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày trở lên”, ông Phạm Văn Minh, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Khánh cho biết.

Phơi chỉ sơ dừa của người dân nơi làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh. Ảnh: sovhttdl.bentre.gov.vn

Cô Nguyễn Thị E, xã An Thạnh làm công việc gọt vỏ cơm dừa được 3 năm tại cơ sở bà Năm Nguyệt chia sẻ, mỗi ngày cô làm việc gọt vỏ cơm dừa trong khoảng 4 tiếng, gọt được 200 kg dừa, thu nhập khoảng 110.000 đồng/ngày. Những người còn trẻ thì làm nhiều hơn. Nếu có dừa về nhiều thì ngày nào cũng làm, cả tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật.

Tại làng nghề, lao động nữ thường đảm nhiệm việc phơi chỉ, nạo cơm dừa, tướt chỉ và phơi. Thanh niên trai tráng thì làm nhiệm vụ lột vỏ dừa, bốc vác và làm những việc nặng nhọc hơn. Tuy nhiên, việc lột vỏ dừa giờ đây không còn là việc của nam giới.

Đến làng nghề, khách thập phương sẽ bắt gặp hình ảnh nhiều lao động nữ cũng tham gia lột dừa và làm nhanh, chuyên nghiệp không kém gì các anh, các chú. Dụng cụ lột dừa là một chiếc dao sắt được dựng vào cái trụ vững vàng. Từng trái dừa được những đôi bàn tay nhanh nhẹn và thành thạo để lên mũi dao và nạy ra, tách vỏ một cách dễ dàng.

Cơ sở thu mua dừa khô và lột vỏ của anh Võ Văn Cu, xã An Thạnh có 20 lao động, trong đó lao động nữ chiếm một nửa. Nhìn các chị thoăn thoắt tách từng mảnh vỏ dừa cứ ngỡ rằng công việc này thật đơn giản nhưng “để làm được công việc này chị phải mất một thời gian khá lâu mới học được, lúc mới làm đau tay, đau vai ê ẩm và không lột nhanh được"- Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (40 tuổi) cho biết.

Dừa khô sau khi thu mua về được tách phần vỏ bán cho cơ sở chỉ xơ dừa, hột dừa (người Bến Tre hay gọi bao gồm sọ dừa, cơm dừa và nước dừa) được bán cho các ghe chở đi bán khắp nơi. Ở làng nghề bên bờ sông Thom hiện nay có hàng chục cơ sở mua ruột dừa, vỏ dừa.

Hàng ngày, mỗi cơ sở thu mua khoảng 10.000 trái dừa khô, những tháng cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) mỗi cơ sở thu mua mỗi ngày khoảng 14.000 – 15.000 trái dừa khô. Mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 4-5 tấn chỉ xơ dừa, sản lượng hàng năm đạt trên 350 ngàn tấn chỉ sơ dừa. Vỏ dừa sau khi được thu mua cho vào máy đập ra lấy chỉ.

Người nông dân cần mẫn với nghề lột dừa trên sông Thom. Ảnh: sovhttdl.bentre.gov.vn

Chỉ xơ dừa được dùng cho nhiều công việc khác nhau nhưng chủ yếu là để xe thành chỉ để dệt. Cơ sở nào cũng có 1-2 chiếc máy đập vỏ dừa, thường hoạt động vào ban đêm vì lúc đó điện mạnh mà giá thành lại thấp. Bình quân từ 4-5 chiếc vỏ dừa khô nguyên liệu sản xuất được 1 kg sợi xơ dừa thành phẩm. Trung bình mỗi tháng, mỗi cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa thu mua của người dân hàng trăm ngàn vỏ dừa khô nguyên liệu.

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, mặt hàng thảm xơ dừa phát triển, đã được xuất khẩu đi một sốnước, nhờ đó làng nghề An Thạnh và Khánh Thạnh Tân thêm khởi sắc. Cũng nhờ làng nghề này cuộc sống của người dân ở làng nghề cũng khấm khá hơn.

Bà Lương Thị Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh chia sẻ: Điều đáng mừng là từ khi các cơ sở sản xuất sợi xơ dừa, lột vỏ dừa bên bờ sông Thom đi vào hoạt động, người dân ở đây rất phấn khởi vì làng nghề tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực.

Năm 2008, Hiệp Hội làng nghề Việt Nam đã trao tặng danh hiệu làng nghề tiêu biểu cho hai làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh (Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) của tỉnh Bến Tre./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục