“Níu” chân công nhân mỏ

07:09' - 19/07/2016
BNEWS Tìm biện pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ để tăng doanh thu, giúp người lao động đảm bảo việc làm và đời sống chính là giải pháp giúp ngành than “níu” chân thợ mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Tìm biện pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ để tăng doanh thu chính là giải pháp giúp ngành than “níu” chân thợ mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Chúng tôi đến với Công ty Than Quang Hanh – TKV đóng chân trên địa bàn Tp. Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đúng vào bữa ăn trưa của công nhân. Sau giờ tan ca, những người thợ lò với bộ quần áo thấm đẫm mồ hôi, khuôn mặt đen nhẻm bám đầy bụi than đang nở những nụ cười thật tươi chuẩn bị vào giờ ăn ca. 

Tiếng cười nói pha lẫn tiếng va chạm của bát đũa làm cho phòng ăn trở nên nhộn nhịp. Nhà ăn của công ty được trang bị khá đầy đủ, từ bàn ăn, ghế ngồi luôn sạch bóng; hệ thống bếp nấu bằng nồi hơi hiện đại; khu chế biến rộng rãi thoáng mát đã làm cho bữa cơm của người công nhân được ngon hơn.

Anh Hà Khánh Sơn, công nhân công ty cho biết, hiện nay, bữa ăn ca của anh em công nhân đã được nhà bếp thay đổi liên tục theo ngày, theo tuần, nhưng luôn đảm bảo đều có món mặn, xào, canh và tráng miệng. Vì vậy, công nhân luôn yên tâm sản xuất với tâm niệm ngoài việc tăng năng suất để tăng thu nhập còn để phục vụ chính bản thân mình.

Phó Giám đốc Công ty, ông Dương Sơn Bài cho biết, trên cơ sở cải thiện điều kiện làm việc, duy trì ổn định công việc, Công ty đã đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động với mức bình quân 8 triệu đồng/người/tháng (riêng thợ lò là 11,3 triệu đồng/người/tháng).

Mặc dù, mức lương bình quân giảm theo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) do phải tiết giảm chi phí nhưng ngày công lao động, nhất là đối với thợ lò không giảm. 

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin văn hoá, xã hội của cán bộ công nhân viên chức, các công trình như đài truyền thanh, thư viện công nhân mỏ, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hoá… được công ty đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ. Công ty đã xây dựng 4 lô nhà tập thể, đáp ứng khoảng 1.200 chỗ ở cho công nhân.

Ngoài ra, công ty cũng đã xây dựng nhà chờ xe được trang bị máy điều hoà, ti vi và phục vụ nước uống miễn phí cho công nhân, lắp đặt thêm tời hỗ trợ người đi bộ, đưa 5 hệ thống xe song loan chở người vào hoạt động để tiết kiệm thời gian cũng như sức lao động. Công ty còn giúp đỡ kịp thời các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn để họ gắn bó với nghề, yên tâm công tác.

Hiện nay hiệu quả sản xuất của công ty không ngừng tăng lên, đạt chỉ tiêu gấp 1,5 lần so với bình quân chung cùng kỳ mọi năm. Ảnh: TTXVN

Nhờ đó, hiện nay hiệu quả sản xuất của công ty không ngừng tăng lên, đạt chỉ tiêu gấp 1,5 lần so với bình quân chung cùng kỳ mọi năm. Trong thời gian tới, công ty sẽ không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ tại các nhà ăn tập thể, chất lượng phục vụ công nhân sau ca lao động.

Đồng thời, cân đối xây dựng lại quy định bồi dưỡng định lượng ăn ca, độc hại, chi trả vé xe ca cho người lao động; duy trì khám chữa bệnh và chú trọng cải thiện điều kiện an toàn trong hầm lò cho người lao động.

Đứng trước ngôi nhà khang trang của anh Lê Văn Mạnh là công nhân của Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả, tại phường Cửa Ông (Tp. Cẩm Phả) vừa hoàn thiện vào đúng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị Phương là vợ anh Mạnh không giấu nổi xúc động. 

Chị Phương cho biết, anh Mạnh mắc bệnh hiểm nghèo đã nhiều năm, gia đình rất khó khăn với đồng lương công nhân nên nhiều năm nay vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp. Được sự hỗ trợ của công đoàn công ty, anh chị đã hoàn thành căn nhà mới.

Giờ chồng chị không còn nữa. Nhưng căn nhà chính là nguyện vọng cuối cùng của anh trước khi ra đi. Hiện nay hai mẹ con chị Phương đã yên tâm có chỗ ở không sợ bị mưa gió. 

Theo anh Phạm Văn Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả, dù hiện nay sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn, nhưng  trong 4 năm gần đây Công ty có chủ trương trích từ Quỹ mái ấm cộng đồng giúp cho 5 gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở; thăm hỏi động viên công nhân, cán bộ bị ốm đau, gia đình khó khăn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. 

Ngoài ra, công ty cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện của địa phương. Chẳng hạn, như hỗ trợ cho đồng bào thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu là xã biên giới của tỉnh Quảng Ninh trên 200m2 đá dăm để thực hiện công trình dân sinh mà chủ yếu là làm đường đi lại trong thôn.

Đồng thời, tổ chức cho công nhân xuất sắc đi thăm quan, nghỉ mát trong và ngoài nước; hỗ trợ một phần kinh phí cho các Công đoàn các bộ phận và một số công nhân lao động được đi tham quan nước ngoài…Nhờ vậy, đã khích lệ được tinh thần công nhân tích cực làm việc đạt được hiệu quả cao. 

Theo TKV, do đặc thù nghề nghiệp của ngành khai thác mỏ phải làm việc trong môi trường đặc biệt nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn rủi ro nên sức thu hút nghề nghiệp không cao, nguồn cung lao động thấp hơn cầu nhất là đối với thợ mỏ hầm lò.

Vì vậy, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động luôn được Tập đoàn quan tâm nhằm củng cố, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. 

TKV còn chỉ đạo các đơn vị không thực hiện hay cắt giảm các chế độ đối với người lao động. Cụ thể, đối với chế độ ăn định lượng, mặc dù việc cân đối chi phí còn khó khăn nhưng TKV vẫn tính toán chi phí giao khoán cho các đơn vị một cách hợp lý.

Hiện số lượng cán bộ công nhân viên của ngành lên đến hơn 160 nghìn người; trong đó, có 130 nghìn công nhân lao động ở tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, điều kiện sản xuất than rất khó khăn, nhu cầu công nhân hầm lò ngày càng tăng nhưng huy động lực lượng rất khó.

Do vậy, Tập đoàn đã thực hiện 31 dự án nhà ở cho công nhân lao động với gần 5 nghìn căn hộ giải quyết chỗ ở cho trên 20 nghìn người. 

Những người thợ lò với bộ quần áo thấm đẫm mồ hôi, khuôn mặt đen nhẻm bám đầy bụi than. Ảnh minh họa: TTXVN

Tỉnh Quảng Ninh hiện đã thống nhất quan điểm đưa nhà ở công nhân vào chính sách nhà thu nhập thấp của Chính phủ, được hưởng mức thuế đất rẻ, được vay vốn của các ngân hàng có chính sách ưu đãi để giảm các chi phí về vốn.

Đồng thời, Tập đoàn cũng đã lập Đề án xây dựng nhà ở cho công nhân và lao động ngành than và khoáng sản tầm nhìn đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 để trình Bộ Xây dựng. 

Theo đó, để đáp ứng về nhà ở cho hàng chục nghìn công nhân đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lãnh đạo TKV đã kiến nghị ngành chức năng cho phép Tập đoàn được trích tỷ lệ % từ tiền bán than (khoảng 1USD/tấn) bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động.

Đồng thời, đề xuất các dự án nhà ở của Tập đoàn đang triển khai được miễn tiền sử dụng đất, được đối trừ tiền sử dụng đất vào tiền thuế đất hàng năm. Mặt khác, cho phép TKV được chuyển đổi mục đích sử dụng một số quỹ đất dôi dư tại các nhà máy, cơ sở của Tập đoàn sang đất ở để xây nhà tập thể cho công nhân./.

>> Đưa công nghệ mới vào khai thác than hầm lò

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục