Nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao

14:00' - 10/02/2016
BNEWS Những khu nhà lưới, nhà màng với kỹ thuật tưới phun sương trong trồng trọt hay máy vắt sữa bò được nhiều người nông dân tại TP. Hồ Chí Minh sử dụng.

Những người yêu thích hoa lan ở Tp. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây dường như ai cũng biết đến vườn lan Huyền Thoại ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.

Bà chủ của trang trại hoa lan này là chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền. Khởi nghiệp từ yêu thích hoa lan, gia đình chị Huyền đã quyết định phá bỏ 5 ha đất trồng cao su kém hiệu quả chuyển sang trồng hoa lan.

Đây là hướng đi của nhiều nông dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là hướng đi của ngành nông nghiệp Thành phố.

Trồng hoa lan áp dụng công nghệ tiên tiến. Ảnh: TTXVN

Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, chị Huyền đã đầu tư làm hệ thống tưới nước tự động, quy trình phun thuốc và bón phân hiện đại với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.

Hiện nay, vườn lan của chị Huyền có hơn 150.000 gốc hoa lan các loại, cung cấp hàng nghìn cành mỗi ngày cho nhiều chợ, siêu thị ở các thành phố lớn và xuất sang Campuchia, Trung Quốc. Vườn lan này cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Huyền với mức bình quân 2 tỷ đồng/năm.

“Chúng tôi cũng đang có kế hoạch hướng đến một mô hình công nghệ cao mới trong trồng lan thông qua đầu tư hệ thống cấy mô. Điều này sẽ giúp chúng tôi làm chủ khâu sản xuất giống và giảm được chi phí cây giống, đồng thời có thể cung cấp giống cho các hộ dân trồng hoa lan khác trên địa bàn.”- chị Huyền cho biết.

Hiện vườn lan Huyền Thoại bước đầu đã thu hút các đoàn khách du lịch tới tham quan và trở thành mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp đô thị của thành phố.

Ở một lĩnh vực khác, anh Phạm Duy Khánh, ở ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ đã tận dụng kiến thức có được thông qua các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và áp dụng quy trình nuôi mới đạt hiệu quả cao ở ao tôm của mình.

Cụ thể, với diện tích sản xuất 3 ha, anh Khánh đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm chân trắng theo quy trình kết hợp nuôi ghép cá rô phi và mô hình nuôi tôm chân trắng theo quy trình nuôi mới (quy trình Biofloc).

Từ mô hình này, sản lượng và lợi nhuận trên ao nuôi của gia đình anh Khánh ngày càng tăng, thu nhập tăng gấp đôi so với kiểu nuôi trồng trước đó. Năm 2013, tổng sản lượng thu hoạch 10 tấn, thời gian nuôi 90 ngày, kích cỡ tôm 60-70 con/kg, lợi nhuận 500 triệu đồng.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN.

Những năm tiếp theo, tổng sản lượng thu hoạch trung bình đạt 15 tấn, thời gian nuôi 90 - 110 ngày, kích cỡ tôm 40-50 con/kg, mang lại lợi nhuận cho gia đình anh Khánh khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Không chỉ riêng trường hợp của chị Huyền, anh Khánh, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi của nhiều hộ nông dân Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn.

Những khu nhà lưới, nhà màng với kỹ thuật tưới phun sương trong trồng trọt hay máy vắt sữa bò, hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi; các máy móc thiết bị và khoa học kỹ thuật đã được đầu tư, nâng lên rõ rệt.

Nhiều nông dân nuôi bò sữa, trồng hoa lan, nuôi cá cảnh, trồng nấm… đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Cũng như nhiều thành phố khác, ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đang đối mặt với tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Hàng năm, thành phố có hơn 1.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phục vụ các lĩnh vực khác.

Hiện nay, thành phố còn khoảng 78.000 ha đất nông nghiệp có khả năng canh tác, tập trung chủ yếu ở 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Trong điều kiện quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc phát triển nông nghiệp hiện đại, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, chế biến và tạo ra chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đang là hướng đi của các địa phương này.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đối với ngành nông nghiệp, huyện hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp kết hợp với du lịch.

“Chúng tôi khai thác triệt để lợi thế sẵn có của địa phương để sản xuất nông nghiệp phục vụ cho Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung sản xuất rau sạch, hoa lan, bò sữa cung cấp cho tiêu dùng thành phố. Đặc biệt, với thủy sản, chúng tôi sản xuất giống, không chỉ cho thành phố mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành cả khu vực phía Nam”, ông Phú nói.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, “Từ trước đến nay, đặc thù của Tp. Hồ Chí Minh là nông nghiệp đô thị, nhưng trong thời gian tới bên cạnh việc phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố sẽ tăng tỷ lệ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất sử dụng nhiều đất đai, lao động”, bà Huỳnh Thị Kim Cúc nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục