Nông nghiệp công nghệ cao: Gỡ khó từ địa phương

09:10' - 20/05/2017
BNEWS Phóng viên BNEWS (TTXVN) ghi nhận về triển khai chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sức nóng lan tỏa từ các chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao mà địa phương đang thực hiện.
Nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực được triển khai nhằm tháo gỡ những nút thắt trong sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Ảnh minh họa: Báo Khoa học và Phát triển

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành về việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực nhằm tháo gỡ những nút thắt, và điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

Cụ thể như chính sách mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất; gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, đặc biệt là yếu tố thị trường để chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…
Phóng viên BNEWS/Thông tấn xã Việt Nam đã có những ghi nhận thực tế về hiệu ứng từ các chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao mà các địa phương đang thực hiện.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mà tỉnh Vĩnh Long hết sức quan tâm và chú trọng thu hút đầu tư. Ngoài những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long cũng có cơ chế ưu đãi riêng dành để thu hút các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ từ Trung ương, nhằm tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực này.

Hiện tại, Vĩnh Long đang lập quy hoạch và Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Tinh thần của Đề án là phát triển lĩnh vực này theo hướng của Israel. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại còn nhiều khó khăn.
Trước mắt, Vĩnh Long sẽ sử dụng ngân sách để đầu tư một mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao khoảng từ 5 - 10 ha và sẽ làm hiệu quả để người dân thấy được thực tiễn. Từ đó, có thể hợp tác và bắt tay cùng các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đó chính là cách để Vĩnh Long xúc tiến công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Muốn có được khu nông nghiệp công nghệ cao này, địa phương có thể phải thu hồi đất đai từ người dân trên cơ sở hợp tác hoặc bồi thường. Nếu không quyết tâm làm sẽ không thể có mô hình để người dân thấy, thì nói ai tin và làm theo…

Vườn rau được trồng trong hệ thống nhà lưới, với quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Người dân Vĩnh Long hiện đã ý thức được việc sản xuất nông nghiệp dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên lợi nhuận mang lại không cao.

Nếu có điều kiện hợp tác với doanh nghiệp đầu tư; được đảm bảo thu mua sản phẩm thì người dân sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình sạch, hoặc cùng doanh nghiệp mở rộng diện tích đất đai để sản xuất nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu và sản lượng cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Với hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân, Vĩnh Long vẫn giữ diện tích sản xuất lúa theo quy định. Mặt khác, cho phép người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nếu thấy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, như một số mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Vĩnh Long là cam xoàn, khoai lang…
Ông Lê Thành, Viện trưởng, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nhà quản lý
Tỉnh Tây Ninh đã được chọn để trở thành địa phương đầu tiên thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị cao, tạo cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp làm giàu. Đã có khoảng 1 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài và 17.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư vào Tây Ninh, mà trực tiếp là cho chương trình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế.
Đó là sự kết nối nhất quán giữa các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đến các nhà làm công nghệ và nông dân. Việc khai thác các khâu từ gieo trồng đến thu hoạch, bảo quản và đưa nông sản ra thị trường tiêu thụ là một chuỗi chặt chẽ, khoa học nhằm giúp nâng cao giá trị.
Để có thể tiếp cận thị trường thế giới, Tây Ninh sẽ tiếp thị 8 chuỗi giá trị sản phẩm để thế giới thấy rằng: sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tây Ninh đã có sự tiếp cận bài bản những tiêu chuẩn của thế giới; Tây Ninh đã có sự chủ động phát triển chuỗi giá trị từ vùng trồng cho đến nhà máy, các chợ đầu mối và người nông dân.
Thêm nữa, khách hàng quốc tế thấy được những tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật nên yên tâm ký hợp đồng hợp tác với Việt Nam. Hợp đồng ở đây không phải là hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mà còn là sự ký kết hợp tác cùng với Tây Ninh xây dựng lại nền nông nghiệp công nghệ cao và một thị trường nông sản chất lượng cao đúng nghĩa.
Như vậy, sự đồng hành từ khâu làm chính sách, tiếp cận thị trường đến xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm… đều có bóng dáng của các Tập đoàn thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Chỉ có như vậy, người nông dân mới yên tâm đầu ra cho sản phẩm, thay vì trước đây cứ trồng song lại âu lo chờ đợi. Từ đó sẽ thúc đẩy vùng sản xuất bền vững, tạo nên động lực phát triển và sự hấp dẫn cho nền nông nghiệp công nghệ cao trong toàn vùng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: baobinhthuan

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản - thực phẩm ngày càng cao, tỉnh Bình Thuận đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của địa phương, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bình Thuận chủ trương tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, kết hợp với việc phát huy nội lực sẵn có của địa phương thông qua việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bình Thuận có đặc thù là đa dạng vùng nguyên liệu, đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên nên một mặt sẽ phát triển cây thanh long trở thành cây đặc chủng và hoàn thiện chuỗi giá trị đưa cây thanh long đi khắp thế giới.

Bên cạnh đó, phát triển và cấu trúc lại chuỗi giá trị về nông dược và cây gia vị. Nhóm thứ 3 là hình thành đan xen những khu nông thị và du lịch theo mô hình của Israel để tạo cảnh quan du lịch và nông nghiệp. Nhóm cuối cùng là phát triển Trung tâm giống và công nghệ nông nghiệp quốc gia để phù hợp với vùng Duyên hải miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 11 dự án của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là trồng hoa, rau sạch và tập trung ở khu công nghiệp, nông nghiệp Tân Phú với diện tích khoảng 310 ha.


Cán bộ kỹ thuật kiểm tra độ sinh trưởng của cây trồng thủy canh tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nông sản Phong Thúy, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình này cần nguồn quỹ đất công rất lớn. Mỗi dự án cần từ 10 ha đến 30 ha. Tuy nhiên, tỉnh hiện không còn quỹ đất sạch do chi phí bồi thường rất cao.
Tỉnh mong muốn thu hút các nhà đầu tư với mô hình liên doanh, liên kết với nông dân. Khi đó, người nông dân có đất, các nhà đầu tư chuyển giao công nghệ và hướng dẫn sản xuất để sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Sau khi chuyển giao, người dân sẽ tiếp tục sản xuất và nhân rộng mô hình này.
Hợp tác xã Anh Đào hiện có khoảng 4 - 5 ha đất, ứng dụng đưa công nghệ cao vào sản xuất rất thành công. Sản phẩm của hợp tác xã đã có thương hiệu và tiêu thụ tốt trên thị trường nên nhiều hộ dân đã xin vào hợp tác xã để học tập và triển khai mô hình này.
Ngoài ra, còn có Dalat Hasfarm, một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Lâm Đồng trong lĩnh vực trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Hasfarm đi theo mô hình hợp tác với nông dân và đang thuê thêm đất để đầu tư sản xuất.

Dalat Hasfarm đã liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, trực tiếp thu mua sản phẩm của nông dân. Hiện nay, nhiều nông hộ liên kết với Dalat Hasfarm đã mở rộng diện tích trồng hoa lên tới 200 ha.
Trong chính sách phát triển nông nghiệp, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng và UBND các huyện vận động các hộ nông dân thành lập tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã để đàm phán với các doanh nghiệp đầu tư; sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư đến với ý định sản xuất theo mô hình chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản./.

>>> Cho vay nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng phải tính đến hiệu quả đầu tư

>>> Du lịch khám phá vườn rau công nghệ cao ở Đà Lạt "hút" khách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục