“Nước cờ chiến lược” Mỹ - Nhật mang tên TPP

07:00' - 18/10/2015
BNEWS Lâu nay, mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa ba cường quốc kinh tế của thế giới là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc chưa bao giờ hết nóng. Vì thế, TPP hoàn tất mang nhiều ý nghĩa.
Ảnh minh họa/alochonaa.com

Trong khi Tokyo vẫn chưa thể quên nỗi đau đã để Bắc Kinh qua mặt trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì Washington lại đang phải “đau đầu để giữ vững ngôi vương” cũng như sức ảnh hưởng trước Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được giữa 12 quốc gia tham gia hôm 5/10 là một “nước cờ đôi” để hai nước Mỹ và Nhật Bản vừa ổn định tình hình kinh tế-chính trị trong nước, vừa tạo thế đối trọng với Trung Quốc.

Ước vọng và thách thức

Là văn kiện thương mại lớn nhất trong lịch sử, TPP được kỳ vọng sẽ hạ hàng rào thuế quan, dỡ bỏ những hạn chế về đầu tư và tăng cường sự minh bạch về pháp lý giữa 12 nước thành viên - hiện chiếm đến 40% nền kinh tế thế giới với tổng sản lượng gần 30.000 tỷ USD.

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thì việc thực thi TPP sẽ là bước đột phá quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu đang đình trệ, giúp GDP của thế giới tăng gần 300 tỷ USD/năm.

Trưởng đoàn các nước tham gia đàm phán TPP chụp ảnh chung tại hội nghị tại Atlanta ngày 1/10. Ảnh: Reuters/TTXVN

Với ý nghĩa kinh tế to lớn như vậy, cũng là điều dễ hiểu khi không ít người cho rằng động cơ thật sự đằng sau TPP của các quốc gia tham gia đàm phán, đặc biệt là hai “ông lớn” Mỹ - Nhật.

Đối với Washington, TPP được coi là trụ cột trong chính sách xoay trục sang châu Á để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

TPP còn là động lực để Mỹ gia tăng sự tiếp cận tại khu vực Đông Nam Á - một trong số ít những thị trường năng động nhất thế giới.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang từng bước mở cửa “vững chắc, rộng rãi và toàn diện” với một loạt sáng kiến mang tính đối trọng mà không có sự góp mặt của Mỹ.

Các dự án “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và “Một Vành đai, Một Con đường” đang đặt Washington vào thế như “ngồi trên lửa”.

Chính quyền Mỹ hiểu rõ rằng để tiếp tục duy trì vị thế tại châu Á thì Washington không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà cần phải gia tăng sự hiện diện về mặt thương mại trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ở ngoài biên giới, thì chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc định ra luật lệ kinh tế toàn cầu”.

Thỏa thuận vừa đạt được ở Atlanta sẽ thỏa mãn những điều này”. 

Washington có thể coi hiệp định này như một bệ phóng cho những thỏa thuận kinh tế vĩ mô khác như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

TTIP bao gồm khối các nước Liên minh châu Âu và Mỹ, chiếm 50% GDP và 1/3 giá trị thương mại toàn cầu, một trong những “cơ hội vàng” để giúp châu Âu phát triển trong giai đoạn trung và dài hạn.

Dư luận Mỹ đang chào đón TPP một cách thận trọng, với những người chỉ trích TPP cho rằng hiệp định này sẽ gây tổn thương cho người tiêu dùng và thị trường việc làm Mỹ.

Do đó, nếu sau 90 ngày xem xét, Quốc hội Mỹ nói “không” với TPP thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách xoay trục của ông Obama.

Lợi ích lớn

Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng (phải, ngoài cùng) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình phức tạp trong nội bộ nước Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Washington quyết tâm đạt được TPP trong năm nay.

Thượng viện Mỹ ngày 24/6 đã thông qua dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA). Đây là một dự luật cho phép Tổng thống có “quyền đàm phán nhanh” trong các hiệp định thương mại quốc tế quan trọng, điển hình là TPP.

Đối với Nhật Bản, ý nghĩa chính trị trong nước cũng luôn song hành cùng vai trò kinh tế trong quyết định tiến tới TPP.

TPP được hy vọng sẽ giúp dẹp tan những nghi ngờ trong nước về chương trình phục hồi tăng trưởng của Nhật Bản mang tên “Abenomics”.

Trong bối cảnh kinh tế Nhật tăng trưởng âm 1,6% trong quý II/2015, rõ ràng chính quyền Thủ tướng Abe đang rất cần TPP.

Bên cạnh đó, TPP cũng được dự đoán sẽ giúp Tokyo đẩy nhanh các tiến trình đàm phán thương mại khác của nước này, như hiệp định đối tác kinh tế với EU.

TPP cũng là động cơ để EU phải đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán với Nhật Bản.

Về cơ bản, phía sau TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) và lớn thứ ba thế giới (Nhật Bản).

Trong khi đó, nếu nhìn vào bản đồ thế giới thì 12 quốc gia thành viên TPP sẽ tạo thành một vành đai bao quanh khu vực Thái Bình Dương.

Tất nhiên việc triển khai TPP sẽ không chỉ giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ Mỹ - Nhật mà còn gắn kết những đối tác mới như Việt Nam với các nước trong khu vực.

TPP được đánh giá là sẽ giúp kiềm chế các động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Cùng với luật an ninh và TPP, quan hệ Mỹ - Nhật được đánh giá đã trở nên bền chặt trên cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.

Phương Nga (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục