"Quan hệ thương mại Việt Nam - Kazakhstan chưa tương xứng tiềm năng"

13:21' - 01/10/2016
BNEWS Các doanh nghiệp của Kazakhstan và Việt Nam đều mong chờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu có hiệu lực để được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan giữa hai bên.
Nông sản là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (gồm các nước: Nga , Armenia , Belarus , Kazakhstan và Kyrgyzstan ) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ 5/10 tới, mang lại nhiều cơ hội mới cho các quốc gia thành viên.

Là một trong những quốc gia Trung Á rộng lớn, Kazakhstan đang có những bước chuyển mình nhanh chóng với các chính sách kinh tế mới thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Đây cũng được xem là một trong những thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá.

Phóng viên BNEWS/TTXVN có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Xuân Hiền, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan xung quanh vấn đề này .

BNEWS: Thưa Đại sứ, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan ?

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền: Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế đặc biệt là quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Kazakhstan đã được các cơ quan chức năng quan tâm, cũng như các doanh nghiệp hai bên thúc đẩy. Hiện tại, quan hệ thương mại giữa hai nước rất tốt đẹp, nhưng theo tôi, nó chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu thực tế của mỗi bên.

Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan, Đoàn Thị Xuân Hiền.

Các doanh nghiệp của Kazakhstan và Việt Nam đều mong chờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu có hiệu lực để được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan giữa hai bên. Hầu hết hàng hóa Việt Nam đã đến được với Kazakhstan nhưng đều qua kênh thứ ba (đối tác thứ ba) và hiện nay các doanh nghiệp đều mong muốn được làm việc trực tiếp với các hợp đồng kinh tế cụ thể.

Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan thời gian qua cũng rất tích cực làm cầu nối giữa doanh nghiệp Kazakhstan cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tìm đến với nhau.

BNEWS: Vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan trong việc trở thành chiếc cầu nối cho các doanh nghiệp hai bên gặp nhau như thế nào, thưa Đại sứ ?

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền: Vừa qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã sang Kazakhstan để tìm hiểu thực tế nhu cầu về các mặt hàng là lợi thế của Việt Nam để xuất khẩu sang đây, cũng như những mặt hàng thế mạnh của Kazakhstan có thể nhập khẩu về trong nước. Một số doanh nghiệp Kazakhstan cũng đã đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội làm ăn.

Kazakhstan là một đất nước đang thay đổi cơ cấu kinh tế từng ngày, từng giờ theo hướng không phụ thuộc vào dầu mỏ. Chúng ta biết là những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt trong những năm vừa qua đã chao đảo và gần như suy thoái rất lớn.

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đang có những bước cải tổ nền kinh tế rất cụ thể, qua đó trải thảm đỏ kêu gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Theo như các nhà đầu tư Kazakhstan cho biết, các bạn rất quan tâm đến Việt Nam và rất mong các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và tới đầu tư tại đây.

Kazakhstan - đất nước vùng Trung Á với nhiều cơ hội đầu tư mới. Ảnh: Kazakhstan

Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan vừa qua đã giới thiệu Công ty Đầu tư nguồn của Kazakhstan đến thăm và làm việc với Tổng công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí (PVEP) tại Hà Nội hướng tới một dự án hợp tác cùng khai thác nếu PVEP mong muốn thúc đẩy để khai thác dầu khí.

Chúng tôi cũng đang chắp nối cho Công ty Đầu tư và Dịch vụ Quốc tế (Interserco) trong việc trong việc xúc tiến, vận hành dự án tại Kazakhstan .

Tới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với phía đối tác Kazakhstan . Như các bạn đã biết, Viettel là một trong những Tập đoàn Việt Nam đã mở rộng đầu tư ra nhiều nước khác nhau trong những năm vừa qua. Tập đoàn cũng đang tìm hiểu đầu tư sangthị trường Trung Á, vì đây là thị trường mới còn nhiều cơ hội để mở cho doanh nghiệp Việt Nam .

Chúng tôi cũng đang cố gắng tích cực hỗ trợ phía Kazakhstan tìm kiếm các đối tác tương xứng để đầu tư. Đó là những việc làm, bước đi rất cụ thể để Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan thúc đẩy quan hệ kinh tế đặc biệt là quan hệ thương mại hai chiều giữa hai quốc gia.

BNEWS: Theo Đại sứ, mặt hàng nào sẽ là thế mạnh để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Kazakhstan ?

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền:Nói đến thế mạnh thì chúng ta phải phân tích thị trường Kazakhstan . Đây là một đất nước có khí hậu rất khắc nghiệt, mọi người thường nói rằng mùa đông của Kazakhstan quá kéo dài và khắc nghiệt nên không thể trồng trọt được cây hoa màu, dẫn đến nhu cầu của họ về nông sản là rất lớn, trừ thịt ra.

Các mặt hàng của Việt Nam đang rất thiếu vắng tại thị trường nước này. Chúng tôi biết khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu hàng nông sản sang Kazakhstan đó là vận tải (logistic) quá xa.

Kazakhstan đang rất tích cực để tháo gỡ khó khăn này bằng cách liên kết với phía Trung Quốc để xây dựng cảng biển và họ sẽ sớm mở lại con đường tơ lụa mới, để làm thế nào hàng hóa tại khu vực châu Á và Đông Nam Á có thể qua được Kazakhstan.

Ngoài ra, Kazakhstan còn có tham vọng trở thành một địa bàn trung chuyển lớn nhất trong khu vực, để từ đó hàng hóa các quốc gia châu Á có thể trung chuyển đi lên châu Âu qua Eo biển Caspi.

Hiện tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước, dự kiến tổ chức trong tháng 12/2016 hoặc quý 2/2017.

Tôi tin rằng với nhu cầu thực tế của Kazakhstan như vậy, thì việc mà các doanh nghiệp của Việt Nam bây giờ cần phải tính toán chỉ là lựa chọn các mặt hàng nào và chất lượng ra sao để xuất khẩu sang đây.

BNEWS: Năm 2017, Kazakhstan sẽ tổ chức Hội chợ quốc tế Expo Astana 2017. Đây được xem là cơ hội để Việt Nam quảng bá thương hiệu và tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường tại Kazakhstan và các quốc gia khác. Việt Nam đã có những sự chuẩn bị gì cho sự kiện này, thưa Đại sứ ?

Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền:Hội chợ Expo Astana 2017, Việt Nam đã ký hợp đồng tham gia và chúng ta đã được phía Ban tổ chức cấp cho một sảnh riêng, gọi là Ngôi nhà Việt Nam, rộng hơn 400m2. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã cấp cho Việt Nam hơn 300m2 để làm khu thương mại.

Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch là cơ quan chủ quản thay mặt Chính phủ Việt Nam sẽ là đầu mối chính cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đưa hàng hóa sang trưng bày giới thiệu sản phẩm tại đây. Đại sứ quán Việt Nam sẽ là cầu nối thực hiện các khâu trình tự liên quan tới thủ tục để phía Việt Nam qua được Kazakhstan .

Tháng 11/2016, Ban Tổ chức Expo Astana 2017 sẽ bàn giao chìa khóa cho từng ngôi nhà. Chúng ta sẽ bắt đầu tiến hành thiết kế, thi công và trưng bày ngôi nhà Việt Nam để vận hành vào tháng 6/2017. Đây là tháng bắt đầu khai mạc hội chợ và được kéo dài tới tháng 9/2017.

Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và hàng nông sản của Việt Nam sẽ được trưng bày tại Hội chợ này. Bên cạnh đó, các hoạt động giới thiệu du lịch Việt Nam cũng sẽ được triển khai.

Tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội để không chỉ các doanh nghiệp Kazakhstan mà còn cả các doanh nghiệp khác trên thế giới có thể tìm được các hợp đồng thương mại với phía đối tác Việt Nam.

BNEWS: Xin cám ơn Đại sứ !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục