"Ván bài" của ngành du lịch Tunisia

05:30' - 20/08/2017
BNEWS Để có thể thu hút thêm du khách, các chuyên gia Tunisia đang đặt cược vào một sự thay đổi to lớn và triệt để, đó là chuyển đổi từ mô hình giá rẻ sang dịch vụ du lịch cao cấp.
"Ván bài" của ngành du lịch Tunisia. Ảnh: Reuters

Sáu năm sau cuộc chính biến “mùa Xuân Arab”, ngành du lịch Tunisia vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng, với 5,7 triệu lượt khách và doanh thu 2,3 tỷ dina (tương đương 935 triệu euro) vào cuối năm 2016.

Đây là một kết quả tương đối thấp so với con số đạt được trong năm 2010, khi nước này đón 6,9 triệu lượt khách quốc tế, và mang lại nguồn thu 3,5 tỷ dina (tương đương 1,43 tỷ euro).

Tuy những bất ổn về chính trị xã hội, và trên hết là ký ức về những vụ tấn công khủng bố xảy ra năm 2015 tại thủ đô Tunis, ở bảo tàng Bardo và Sousse đã trôi qua, nhưng ngành kinh tế trọng điểm này mới chỉ tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp, so với 300.000 của 7 năm trước đó.

Trên bờ biển Địa Trung Hải, từ tỉnh Carthage đến Djerba, các chuyên gia du lịch đang đối mặt với một tình trạng ảm đảm mà rất khó có thể vượt qua. Tunisia đã rời khỏi danh sách những quốc gia có nền du lịch hàng đầu.

Năm 2008, đất nước bên bờ Địa Trung Hải được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng 39 trong niêm giám về cạnh tranh của ngành du lịch, dựa trên các tiêu chí như an ninh, vệ sinh, cơ sở hạ tầng, giao thông. Đến năm 2017, Tunisia đã rơi xuống vị trí 87 thế giới.

Sự thụt lùi xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực… trừ giá cả, Tunisia vẫn là địa điểm du lịch rẻ thứ 9 trên tổng số 136 nước được khảo sát. Vị thế của một điểm đến giá rẻ đã được thiết lập từ những năm 1960, với một bờ biển chất lượng kém cùng số lượng lớn những khách sạn giá rẻ.

Nếu như hầu hết các chuyên gia đã gặp nhau để tìm cách nâng cao chất lượng những điều kiện tiên quyết nhằm hướng đến một sự phục hồi bền vững, thì các cơ quan nhà nước và hãng du lịch lại đang nỗ lực tìm một mô hình mới khác với du lịch đại chúng, và tất nhiên sẽ thu hút ít khách hàng hơn so với hiện tại.

Theo bà Mouna Ben Halima, Phó Tổng thư ký của Liên đoàn khách sạn Tunisia - FTH, trong khoảng 650 khách sạn hiện nay, chỉ có khoảng hơn 20 địa chỉ thực sự có khả năng cung cấp các dịch vụ du lịch cao cấp. Khoảng 1/3 các khách sạn quá cũ và hiện đang ngập trong nợ nần sẽ buộc phải đóng cửa.

Việc cải tổ đã bắt đầu được thực hiện. Khoảng 15% số cơ sở du lịch đã phải dừng hoạt động. Mammamet, thủ phủ của các khu nghỉ mát giá rẻ ven biển, với khoảng 200 khách sạn từng hoạt động giai đoạn trước “mùa Xuân Arab”, đã bị tác động mạnh mẽ.

Ngay cả một số cơ sở từng cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp, do không giữ được vị trí của mình, cũng là đối tượng của lần cải tổ này.

Ví dụ như cung điện Tamerza, một trong những khách sạn sang trọng nổi tiếng án ngữ trước sa mạc, đã bị đóng cửa kể từ năm 2014. Ông Hédi Hamdi - giám đốc của trang mạng “Điểm đến Tunisia” đã bày tỏ sự tiếc nuối của mình, khi nhiều khách sạn 4 sao đã không còn duy trì hoạt động.

Sự khởi đầu mới?

Tuy nhiên, Bộ trưởng Du lịch, ông Selma Elloumi Rekik, đã đảm bảo rằng ngành du lịch hiện đang đứng trước một sự khởi đầu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngay trước giai đoạn tháng cao điểm 7 và 8, nước này đã đón gần 2 triệu lượt khách quốc tế.

Con số này cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015. Sự phục hồi được thúc đẩy do sự trở lại của khách du lịch từ Anh và Bỉ.

Bỉ và Vương quốc Anh, trên thực tế đã dỡ bỏ hầu hết các cảnh bảo về những vấn đề liên quan đến an ninh tại Tunisia lần lượt vào ngày 23/2 và 26/7/2017. WTCC, một tổ chức chuyên về du lịch trên thế giới, đã bày tỏ sự lạc quan về du lịch Tunisia.

Tổ chức này dự đoán các khoản đầu tư vào lĩnh vực du lịch của đất nước Bắc Phi này (vốn đã vượt qua 1,5 tỷ dina năm 2013 lên mức 1,7 tỷ dina năm 2016) sẽ sớm phục hồi, và vượt mức 2,38 tỷ dina từ nay đến năm 2027. Theo WTCC, sẽ có khoảng 11 triệu lượt khách đến Tunisia vào thời điểm đó.

Các dự án khách sạn cao cấp cũng lần lượt được khởi động, đây là dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của lĩnh vực này. Các tập đoàn của Tunisia và quốc tế đã triển khai nhiều công trường xây dựng hoặc cải tạo các khách sạn.

Tất cả đang đặt cược vào sự nâng cao chất lượng, được khuyến khích bởi luật đầu tư gần đây khi luật mới cho phép đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Thay vì dựa vào các công ty lữ hành lớn như TUI hoặc Thomas Cook, nhiều tập đoàn của Tunisia hiện đã kí kết hợp đồng quản lý với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong khu vực Địa Trung Hải.

Đây là trường hợp của tập đoàn Marhaba, thuộc sở hữu của gia đình Driss và thành lập năm 1965, hiện đang quản lý 20 khách sạn trong cả nước với 12.000 giường (chiếm 5% năng lực phục vụ của Tunisia).

Zohra Driss, giám đốc điều hành của 3 cơ sở trong tập đoàn trên, đã tin tưởng vào công ty Deutsche Hospitality (trước đây là Steigenberger) của Đức quản lý khách sạn Steigenberger Kantaoui Bay (trước đây là Imperial Marba), thay thế cho công ty RIU - thuộc tập đoàn TUI của Tây Ban Nha, đã từng khiến 38 khách du lịch quốc tế thiệt mạng ngày 26/6/2015.

Sau một năm rưỡi đóng cửa và dành 2 triệu euro để đầu tư tu sửa khu vực lễ tân và an ninh, Steigenberger Kantaoui Bay đã tiếp nhận lượng khách tăng hơn 70% vào tháng 7/2017, cho dù khách sạn này đã gần như bị bỏ hoang giai đoạn trước đây.

Ông Zohra Driss bày tỏ sự hài lòng khi cho rằng Steigenberger đã mang lại cho tập đoàn Driss một sự đảm bảo về thương mại tốt hơn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn. Driss đang có ý định thuê một công ty quản lý khác của Đức cho cơ sở du lịch tiếp theo của mình.

Em họ của Zohra, Moez Driss, chủ sở hữu của tập đoàn Maklada, với thương thiệu Radisson Blu, chuyển sang thương hiệu của Rezidor đến từ Mỹ và đã khởi công khách sạn ở Djerba và Hammamet. Dự án đầu tiên tại khu phố Boujaafar đã gần hoàn thành.

Tại công trường hiện nay, các công nhân đang thực hiện những công việc cuối cùng để sớm có thể khánh thành khách sạn với 225 phòng. Mỗi phòng đôi có giá 350 dina mỗi đêm. Có 4 nhà hàng và 3 quán bar cũng được mở, cùng với một đường hầm kết nối tầng hầm với bãi biển.

Trước những triển vọng trong phân khúc cao cấp, các doanh nghiệp Tunisia cũng đang tiến bước vào lĩnh vực quản lý khách sạn với những tham vọng to lớn. Đây là trường hợp của tập đoàn xây dựng Neifar - với 1.000 nhân viên và 500 triệu dina doanh thu - đã trúng thầu 40 khách sạn và trung tâm hội nghị trong cả nước.

Hiện nay, tập đoàn này đang đầu tư xây dựng một cung điện tại khu phố kinh doanh sầm uất Berges-du-Lac của thủ đô Tunis, với quy mô 189 phòng và dự kiến khánh thành vào năm 2018. Vốn đầu tư cho dự án này lên đến 100 triệu dina, trích từ nguồn vốn riêng của tập đoàn.

Sau khi tiếp cận Marriott của Mỹ, Kempinski và Rotana của Đức, Fathi Neifar - ông chủ của tập đoàn này đã ký kết một hợp đồng quản lý với Movenpick của Thuỵ Sỹ và thuê Nicolas Pezout, người trước đây từng quản lý các khách sạn của tập đoàn Thuỵ Sỹ tại Ramallah và Dubai, cũng như khách sạn Crillon tại Paris.

Các nhà đầu tư cũng đến từ khu vực Trung Đông. Tại vùng biên giới Tabarka, giáp với Algeria, tập đoàn Qatar La Cigale, hiện đang khai thác một cung điện khổng lồ, đã mua lại từ công ty dịch vụ du lịch Tunisia (TTS) bãi biển Tabarka và sân golf bên bờ biển, và đầu tư vào đây nhiều triệu dina, sau đó đổi tên thành bãi biển La Cigale.

Cựu Bộ trưởng Du lịch Slim Tlatli nhận định rằng mô hình mới có thể thu hút ít du khách hơn nhưng họ lại chi tiêu nhiều hơn.

Con đường để Tunisia đạt được điều đó còn khá dài khi theo tính toán của các nhà chuyên môn, năm 2015, trong 5,3 triệu lượt khách du lịch, trung bình mỗi người tiêu 144 USD, trong khi khách du lịch đến Morocco chi đến 500 USD, gần gấp 4 lần con số của Tunisia.

Để có thể thành công trong việc chuyển đổi, ngành du lịch buộc phải cải thiện việc đào tạo. Đây là một thách thức to lớn thuộc trách nhiệm của Uỷ ban Du lịch quốc gia Tunisia, hiện nay đang được tái cơ cấu.

Việc thiếu các trường đào tạo nghiệp vụ khách sạn được các nhà đầu tư quốc tế công nhận, buộc các tập đoàn của Tunisia phải gửi nhân viên của mình đi đào tạo tại nước ngoài. Tập đoàn khách sạn Carlson Rezidor dự kiến sẽ tổ chức một kỳ thực tập nâng cao taị Marrakech - Morocco cho 12 nhân viên người Tunisia.

Theo bà Mouna Ben Halima, người đứng đầu tập đoàn khách sạn Mammalet, chủ sở hữu của La Badira, “một nơi được coi là sang trọng nếu đáp ứng được tất cả nhu cầu của một vị khách khó tính nhất”.

Tập đoàn Mammalet đã đầu tư vào cung điện La Badira 35 triệu dina, thiết kế lại kiến trúc theo phong cách của một làng chài đầu thế kỷ XX. Mỗi phòng trong cung điện này có giá lên đến 280 euro/đêm nhưng vẫn thu hút rất đông khách du lịch.

Ba năm sau khi khai trương, khách sạn 5 sao này đã bắt đầu có lợi nhuận, ghi nhận doanh thu lên đến 12 triệu dina mỗi năm.

La Badira đã được vinh dự có mặt trong danh sách những khách sạn hàng đầu trên thế giới (Leading hotels of the world) - bao gồm các khách sạn sang trọng được các chuyên gia du lịch toàn cầu công nhận.

Với hơn 375 cơ sở trên toàn thế giới, việc có mặt trong danh sách này là một sự đảm bảo tuyệt vời cho giá trị thương hiệu. Trước đây, khu vực Maghreb chỉ có 2 khách sạn được nằm trong danh sách này, đó là Royal Mansour và La Manounia tại Marrakeck - Morocco.

Nếu như một số dự án khách sạn sang trọng được thực hiện, như là La Badira, mô hình du lịch chất lượng cao tại Tunisia chắc chắn có khả năng thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục