10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2015

16:02' - 30/12/2015
BNEWS Năm 2015, kinh tế Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, tác động tới tình hình kinh tế chung, cũng như an sinh xã hội trong nước. BNEWS/TTXVN điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật như sau:

1. Tăng trưởng GDP cao nhất trong 8 năm qua

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, tăng trưởng GDP cả nước vẫn đạt 6,68%, cao nhất trong 8 năm qua và cao hơn mức Quốc hội đề ra là 6,2%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (0,63%); an sinh xã hội nhìn chung được bảo đảm.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cân đối ngân sách còn khó khăn; nợ công tăng; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt như mong muốn.

Tăng trưởng GDP cả nước cao nhất trong 8 năm qua. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

2. Hội nhập kinh tế sôi động

Việt Nam đã kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á- Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên 14. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. 

Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 27. Ảnh: Đức Tám/TTXVN.

3. Thu ngân sách vượt dự toán trong bối cảnh nguồn thu giảm

Năm 2015, trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu, nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm mạnh theo các cam kết hội nhập, nhưng nhờ đẩy mạnh các biện pháp thu, đồng thời tích cực đòi nợ thuế nên tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn vượt dự toán.

Tính đến ngày 28/12/2015, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán. Trong đó thu nội địa tăng 10,9% so với dự toán, thu dầu thô đạt 73,1% dự toán và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán.

4. Lần đầu tiên NHNN mua lại các ngân hàng thương mại với giá 0 đồng

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước công bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng/cổ phần. Đây là bước đi mạnh mẽ của nhà nước ta trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đây là bước đi đúng đắn của nhà điều hành trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

5. Thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Quyết định này nằm trong lộ trình sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn.

Ảnh: Phương Vy-TTXVN

6. Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông

Nhiều công trình giao thông lớn như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai... được đưa vào khai thác trong năm 2015 đã tạo đột phá về phát triển hạ tầng. Đặc biệt, trong năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Các công trình này góp phần nâng cao năng lực vận tải, đẩy mạnh giao thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vùng miền và đưa kết cấu hạ tầng Việt Nam bắt kịp xu thế hội nhập.

Việc đưa tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành giao thông, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng, so với 7 tiếng như trước đây. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

7. Đưa ra xét xử 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm

Phiên họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã quyết định đưa 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm ra xét xử. Đó là các dự án xảy ra tại Công ty chế biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng; Agribank Chi nhánh 7 Tp. Hồ Chí Minh; Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Công ty Dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Agribank Chi nhánh 6 Tp. Hồ Chí Minh; Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II); tại ALC II, Công ty Công nghệ biển Hải Phòng và Công ty TNHH Vận tải biển Đại Phát; Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam và Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN.

8. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở mức báo động

Vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có dấu hiệu quay trở lại và càng gia tăng ở mức độ đáng báo động trong năm 2015. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1, ngành nông nghiệp đang quyết liệt điều tra, truy đến cùng nguồn gốc cung cấp các chất cấm để xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp.

Cán bộ thú y tỉnh Bến Tre kiểm tra tại cơ sở bán thức ăn chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN.

9. Nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, quy định nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. 

Sự kiện này được đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2015, chỉ có duy nhất Công ty chứng khoán Sài Gòn, thuộc khối công ty chứng khoán tại Việt Nam, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nới room đến 100% theo Nghị định này.

Nghị định 60 tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

10. Thị trường tiêu thụ nông, thủy sản khó khăn

Năm 2015, trước khó khăn “kép” về thời tiết và thị trường, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chỉ đạt khoảng 30,13 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2014. Nhiều mặt hàng chủ chốt như cà phê ước giảm tới 28,1%, thủy sản giảm 16,5%. Các mặt hàng như gạo, chè và cao su giảm từ 2,9-14,4%.

Đây cũng là năm mà thị trường tiêu thụ các mặt hàng như hành tím, dưa hấu... có lúc rơi vào tình trạng dư thừa trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của nông dân và khiến nhiều cơ quan, tổ chức phát động phong trào thu mua hàng nông sản để ủng hộ nông dân.

Dưa hấu “dồn ứ”, “ách tắc” vẫn thường xuyên tái diễn vài năm trở lại đây. Ảnh: TTXVN.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục