30% dân số sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020

19:53' - 30/10/2015
BNEWS Đến năm 2020, khoảng 60% doanh nghiệp hiện diện trên Internet. 80% doanh nghiệp đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử trên Internet hoặc trên nền tảng di động.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thanh toán điện tử, dịch vụ logistic đồng thời phát triển những giải pháp ứng dụng phù hợp với doanh nghiệp là lộ trình mà Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhằm tăng thêm lòng tin của người tiêu dùng cũng như người bán hàng qua mạng.

Đưa ra mục tiêu phấn đấu đến 2020, có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, để phát triển thương mại điện tử còn rất nhiều việc phải làm, nhất là phát triển một cách đồng bộ các hạ tầng pháp lý cho đến hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, gây dựng lòng tin từ phía người tiêu dùng thì mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Hữu Linh cũng cho rằng, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong thương mại điện tử đến nay vẫn chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng. Với dự kiến tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trong năm 2015 sẽ đạt 4 tỷ USD đã thể hiện tốc độ tăng trưởng khá chóng mặt không những năm nay mà cho cả những năm tiếp theo.

Do vậy, tới đây Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin triển khai làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa hiệu quả từ thương mại điện tử.

Để tăng thêm tính pháp lý cho lĩnh vực này, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử để đến năm 2020, hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động thương mại điện tử khác nhau trong xã hội.

Theo đó, đến năm 2020, có khoảng 60% doanh nghiệp hiện diện trên Internet, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp. 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử trên Internet hoặc trên nền tảng di động.

100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Không chỉ vậy mà dự thảo này còn khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng thương mại điện tử. Hình thành, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới uy tín…

Đại diện cho thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử, ông Trần Đình Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty OSB (Đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam) cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát triển thương mại điện tử để có thêm những hợp đồng mới, đưa sản phẩm ra thị trường.


Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Trần Đình Toản, trung bình mỗi ngày trên Alibaba.com nhận được khoảng 15.695 yêu cầu chào mua từ nhà nhập khẩu. Trong đó, yêu cầu nhiều nhất là về mặt hàng: thực phẩm- đồ uống, nông sản, vật liệu xây dựng, dệt may-da giày, hàng thủ công mỹ nghệ…

Đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế. Từ trang bán hàng trực tuyến này, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Australia…

Về phía Hiệp hội Thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội, nhấn mạnh sau khi Hiệp định TPP được thông qua, giao dịch thương mại điện tử sẽ càng chiếm ưu thế.

Do đó, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, tiếp cận marketing trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều khó nhất của doanh nghiệp Việt Nam là uy tín và chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, khi giao dịch doanh nghiệp cần chọn lựa những trang bán hàng trực tuyến uy tín, có hệ thống kiểm tra về nguồn khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, với tính đa dạng hóa thị trường hiện nay, dùng phương tiện trực tuyến nhưng doanh nghiệp cũng phải kết hợp sử dụng ngôn ngữ phù hợp và khả năng quyết định mua hàng có thể tăng gấp 4 lần nếu khách hàng tham khảo sản phẩm trên một website sử dụng ngôn ngữ bản địa./.

Uyên Hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục