30 năm sau thảm họa Chernobyl

15:24' - 26/04/2016
BNEWS Ngày 26/4 năm nay là tròn 30 năm xảy ra thảm họa tại Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine, được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong ngành năng lượng hạt nhân thế giới.
Lò phản ứng thứ tư tại Chernobyl sau vụ nổ. Ảnh: Reuters

Ngày 25/4, tại hội nghị quốc tế ở Kiev, các nhà tài trợ quốc tế và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã cam kết hỗ trợ bổ sung 87,5 triệu euro (99 triệu USD) để giúp Ukraine xây dựng một cơ sở chứa chất thải hạt nhân mới kiên cố hơn tại nhà máy này.

Tuy nhiên, hiện Ukraine vẫn cần thêm 15 triệu euro nữa mới có thể hoàn thành công trình trên để bắt đầu tích trữ an toàn số nguyên liệu nguy hiểm trong các hầm kim loại vào cuối năm nay.

Đêm 26/4/1986, tổ máy số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl phát nổ, gây nhiễm phóng xạ cho 12 tỉnh của Ukraina với tổng diện tích 50 nghìn km2, 19 khu vực của LB Nga với tổng dân số 2,6 triệu người và 23% lãnh thổ của Belarus.

Theo ước tính, lượng phát xạ từ tai nạn này tương đương 400 quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Khoảng 600 nghìn nhân viên cứu hộ, binh lính và công nhân thuộc Liên Xô đã trực tiếp tham gia khắc phục thảm họa này, trong đó, hầu hết đều bị ảnh hưởng sức khỏe và rất nhiều người đã thiệt mạng.

Ngày 5/12/2000, Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã ngừng hoạt động và tổ máy số 4 của nhà máy này đã được bao kín bằng một vỏ bọc bê tông rất dày để ngăn rò rỉ phóng xạ do 200 tấn urani vẫn còn nằm bên trong. Tuy nhiên, qua thời gian, lớp vỏ này đã bị hư hỏng nặng.

Đến năm 2010, Ukraine bắt đầu dự án bảo đảm an toàn tại khu vực nhà máy, bao gồm cả xây dựng lớp vỏ bọc mới bằng thép nặng 25.000 tấn, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Kinh phí xây dựng dự kiến lên tới hơn 2,1 tỷ euro. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế và bất ổn chính trị tại Ukraine thời gian qua đang ảnh hưởng tới dự án này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục