50% trong số 15 triệu máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus qua USB

21:39' - 17/10/2017
BNEWS Số liệu thống kê từ hệ thống giám sát virus thời gian qua tại Việt Nam của Tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết: 15 triệu lượt máy tính ở nước ta bị nhiễm virus trong quý III/2017.

Đây là con số lây nhiễm ở mức cao, đáng lưu ý là con đường lây nhiễm virus chính vẫn là qua USB, chiếm tới hơn 50%.

50% trong số 15 triệu máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus qua USB. Ảnh minh họa: reuters

Lý giải việc 50% của 15 triệu lượt máy bị nhiễm virus tại Việt Nam trong quý III/2017 là qua USB, các chuyên gia bảo mật cho biết: USB là phương tiện phổ biến để sao lưu, trao đổi dữ liệu giữa các máy tính, nhưng ý thức về cách sử dụng USB an toàn của người Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Điều này đồng nghĩa với việc ý thức phòng, tránh lây nhiễm virus qua các thiết bị máy tính của của người Việt Nam còn rất yếu. Họ biết hậu quả khi bị virus tấn công máy tính nhưng lại “lười” thực hiện các thao tác cài đặt hệ thống an toàn cho máy tính và các thiết bị.

Điều này vô hình chung đã làm tình trạng virus lây nhiễm qua USB ở mức cao và không có khả năng kiểm soát. Trước đó, Bkav cũng đã thống kê được có tới 83% USB bị nhiễm virus trong năm 2016.
Để hạn chế việc lây nhiễm của virus lây lan qua USB cũng như tự bảo vệ dữ liệu của bản thân, các chuyên gia công nghệ khuyên rằng, người dùng cá nhân cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực để quét USB trước khi sử dụng, hạn chế sử dụng USB trên các máy lạ.

Với các cơ quan doanh nghiệp, chuyên gia Bkav khuyến nghị cần trang bị giải pháp kiểm soát chính sách an ninh đồng bộ, trong đó có kiểm soát, phân quyền sử dụng USB theo nhu cầu và độ quan trọng của từng máy
Các chuyên gia của Tập đoàn Công nghệ Bkav cũng nhận định: Các thiết bị kết nối internet của mạng lưới inernet kết nối vạn vật (Inernet of thing – IoT) như router Wi - Fi, Camera IP… trong các gia đình Việt Nam có thể là đối tượng tấn công của mã độc Mirai.

Phân tích một biến thể mới của mã độc Mirai, các chuyên gia Bkav đã phát hiện các tin tặc (hacker) đang nhắm mục tiêu đến Việt Nam. Mirai là dòng mã độc đã tấn công hàng loạt thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT) trên thế giới, thông qua việc dò mật khẩu mặc định từ nhà sản xuất để lây nhiễm.
Sự bùng nổ của các thiết bị và công nghệ internet vạn vật kết nối đã thực sự khiến vấn đề an ninh trên các thiết bị như router Wi-Fi, camera IP… trở thành chủ đề "nóng" trong thời gian gần đây. Năm 2016, Bkav cũng công bố có tới hơn 5,6 triệu router trên khắp thế giới tồn tại lỗ hổng bảo mật. Riêng tại Việt Nam con số này là 300.000, tương đương với 300.000 hệ thống mạng đang trong tình trạng bị “bỏ ngỏ”.
Điều đáng quan ngại là sau khi tấn công, kiểm soát thiết bị internet kết nối vạn vật, các hacker có thể huy động những thiết bị này trở thành botnet trong các cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDoS hoặc kiểm soát toàn bộ truy cập của người dùng trong mạng, thực hiện các hình thức tấn công để lấy cắp tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, email...

Botnet là các mạng máy tính được tạo lập từ các máy tính mà hacker có thể điều khiển từ xa. Các máy tính trong mạng botnet là máy đã bị nhiễm mã độc và bị hacker điều khiển. Một mạng botnet có thể có tới hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu máy tính. Chính vì vậy, những hậu quả của việc tấn công mạng trở nên khó kiểm soát và không tính toán được thiệt hại trên phạm vi rộng lớn.

Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav Ngô Tuấn Anh khuyến cáo: Để phòng tránh nguy cơ bị truy cập trái phép, người sử dụng cần phải kiểm tra, thay đổi mật khẩu quản trị các thiết bị kết nối internet vạn vật, tắt tính năng cho phép truy cập thiết bị từ mạng internet bên ngoài khi không sử dụng.

Ông Ngô Tuấn Anh cũng đề nghị phía nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị cũng cần thông báo việc phải thay đổi mật khẩu mặc định cho khách hàng sau khi lắp đặt và đưa thiết bị vào sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục