84 học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm tại Kon Tum

14:36' - 06/11/2017
BNEWS Tính đến 14 giờ ngày 6/11, đã có 84 học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy.

Bác sỹ Chuyên khoa I, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Khoảng 8 giờ ngày 6/11, Trung tâm tiếp nhận nhiều học sinh nghi ngộ độc thực phẩm tại Khoa cấp cứu. Các em nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Trung tâm đã huy động các y, bác sỹ thực hiện công tác cấp cứu kịp thời. Hiện có 84 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm, trong đó 36 trường hợp đang được truyền dịch theo dõi.
84 em học sinh nghi ngộ độc trên đều là người dân tộc thiểu số tại làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Sáng 6/11, trên đường đến trường, các em được một nhóm người tự xưng đang làm công tác từ thiện cho sữa và bánh. Toàn bộ số học sinh sau khi ăn các thực phẩm của nhóm từ thiện này cho đều có biểu hiện ngộ độc.

Các loại thực phẩm được nhóm từ thiện phát cho học sinh gồm sữa hộp, bánh bông lan, bánh kem… đều có nguồn gốc nhãn mác, còn hạn sử dụng. Sữa được mua tại hiệu tạp hóa, bánh bông lan được lấy từ cơ sở làm bánh tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, trong số 84 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm có 48 học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành; 1 học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong; 35 em còn lại là học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Cô Trương Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành (huyện Sa Thầy) cho biết: Sáng 6/11, sau giờ chào cờ, nhiều học sinh các khối lớp có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn. Ban Giám hiệu trường đã điều động giáo viên chở các em đến ngay Trung tâm Y tế huyện cấp cứu.
Có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, lãnh đạo Sở đã trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên các học sinh nghi bị ngộ độc tại huyện Sa Thầy; đồng thời cử một đoàn công tác đến các trường trên địa bàn tuyên truyền, vận động các trường hợp học sinh đã cùng ăn những thực phẩm trên đến cơ sở y tế để các y, bác sỹ tiện theo dõi. Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum lấy các mẫu bánh và sữa để kiểm định chất lượng.
Ông Khánh cho biết thêm, trưa 6/11, giáo viên các trường có học sinh nghi ngộ độc thực phẩm cùng một số nhân viên Bệnh viện huyện Sa Thầy đã tập trung nấu cháo cho các em ăn trưa, ổn định sức khỏe. Cùng với đó, các bệnh nhân được tiếp tục thu dung để theo dõi.

Các trường hợp ngộ độc này nếu có bảo hiểm y tế sẽ điều trị theo chế độ bảo hiểm, trường hợp nào không có bảo hiểm Sở Y tế sẽ điều trị miễn phí. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục