85% người dân vẫn mua thực phẩm ở chợ truyền thống

14:06' - 16/03/2016
BNEWS Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm ở những hệ thống hiện đại có xu hướng tăng lên nhưng vẫn còn 85% người dân mua sắm thực phẩm qua các hệ thống kinh doanh truyền thống như chợ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết như vậy tại hội thảo “Thực phẩm sạch và xu hướng tiêu dùng hiện đại” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội.

Hội thảo về thực phẩm sạch và xu hướng tiêu dùng hiện đại. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, cách tiêu dùng hiện nay sẽ khiến giá thực phẩm đắt đỏ hơn, bởi chi phí cho các khâu trung gian rất nhiều.

Nếu phát triển theo xu hướng hiện đại, phát triển các cửa hàng tiện ích thay thế các chợ truyền thống thì người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, an toàn; đồng thời, nhà nước cũng có nguồn thu cho ngân sách.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi hơn nhờ giá không cao, được bình ổn bởi khi đó khâu trung gian ít đi, doanh nghiệp thu lãi trên số lượng sản phẩm thay vì lãi trên một đơn vị sản phẩm.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, khi hướng đến các sản phẩm, doanh nghiệp, nhà bán lẻ… có thương hiệu, bản thân người tiêu dùng có thể tránh được tối đa các sản phẩm không được an toàn.

Hướng đến thực phẩm có thương hiệu, người tiêu dùng có thể tránh tối đa các thực phẩm thiếu an toàn. Ảnh: TTXVN

Hiện cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đều đã ý thức được làm sao phải có sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Việt Nam đã có khá nhiều sản phẩm được xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm khá cao của Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn còn nhiều vấn đề, làm cho người tiêu dùng bức xúc, lo lắng trước các hiện tượng thực phẩm chưa được an toàn. Do đó, cần có sự nỗ lực hơn nữa để người tiêu dùng đúng là được hưởng quyền được an toàn.

Theo ông Tạ Văn Tường, nhà nước cần tạo môi trường, có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các hình thức tiêu dùng hiện đại, phát triển các cửa hàng tiện ích.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể “ngồi chờ” nhà nước mà cần phải vào cuộc ngay vì lợi ích của cộng đồng, của chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đầu mối mang tính chất then chốt, quyết định thúc đẩy xu hướng tiêu dùng hiện đại.

“Khi đã có sản phẩm an toàn, có nguồn gốc nhãn mác, cung cấp đầy đủ thông tin, chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm đó thay cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc”, ông Tạ Văn Tường khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục