Ai Cập nhận 1 tỷ USD đầu tiên từ gói tín dụng ưu đãi của IMF

07:06' - 11/09/2016
BNEWS Đây là một phần trong thỏa thuận tín dụng ưu đãi trị giá 12 tỷ USD trong vòng 3 năm mà Cairo vừa đạt được với định chế tài chính đa phương toàn cầu này.
IMF đã chuyển cho Ai Cập 1 tỷ USD đầu tiên. Ảnh: Sweetcrudereports

Bộ Hợp tác Quốc tế Ai Cập ngày 9/9 cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chuyển cho nước này 1 tỷ USD đầu tiên trong khoản giải ngân 3 tỷ USD của năm nay.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Sahar Nasr nói rằng số tiền 1 tỷ USD này sẽ được sử dụng để tạo các cơ hội việc làm và cải thiện đời sống của người dân.

Thỏa thuận tín dụng ưu đãi của IMF cấp cho Ai Cập thể hiện phần nào những nỗ lực của chính quyền Cairo tìm kiếm nhiều tỷ USD và các nguồn hỗ trợ tài chính khác nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đang trong giai đoạn hết sức khó khăn hiện nay và giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ, nhất là nguồn USD.

Ai Cập cũng đã đàm phán vay 3 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB). Tới nay quốc gia Bắc Phi này đã nhận giải ngân 1,5 tỷ USD từ WB và 500 triệu USD từ AfDB để đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế, trong đó có các dự án sử dụng nhiều lao động.

Nền kinh tế Ai Cập đang lâm vào tình cảnh khó khăn giữa lúc một loạt nguồn thu chủ chốt như du lịch, kênh đào Suez, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tài chính từ các đồng minh trong khu vực ngày càng giảm sút.

Theo các số liệu mới nhất, doanh thu từ kênh đào Suez trong tháng 7/2016 đạt 429 triệu USD, giảm từ 437,7 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái, khiến tổng doanh thu của 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,919 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Giới chức Ai Cập từng kỳ vọng doanh thu của kênh đào Suez có thể sẽ tăng mạnh và đạt 13,2 tỷ USD vào năm 2023, sau khi nước này khánh thành dự án mở rộng kênh đào Suez có tổng kinh phí khoảng 4 tỷ USD hồi tháng 8/2015.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, doanh thu từ hoạt động của kênh đào này liên tiếp giảm so với trước thời điểm triển khai dự án mở rộng, chủ yếu do sự suy giảm của giá dầu thế giới và tình trạng sa sút của hoạt động giao thương toàn cầu.

Liên quan đến hoạt động du lịch, sau vụ rơi máy bay của Nga trên Bán đảo Sinai hồi cuối tháng 10/2015, khiến toàn bộ 224 hành hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, cũng như một loạt sự cố hàng không sau đó, lượng khách du lịch quốc tế đến đất nước Kim Tự Tháp đã giảm 50% trong 6 tháng đầu năm 2016 và doanh thu từ du lịch giai đoạn này giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Ai Cập, thâm hụt ngân sách của nước này trong 9 tháng đầu năm 2016 đã tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2015, lên 254,9 tỷ bảng Ai Cập (28,71 tỷ USD). Lạm phát chủ chốt tăng 13,23% trong tháng 8/2016, so với 12,31% tháng trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục