Algeria và Saudi Arabia: Chung hoàn cảnh khác chiến lược

12:16' - 03/05/2016
BNEWS Algeria và Saudi Arabia là hai quốc gia sản xuất dầu mỏ hiện đang phải cùng nhau đối mặt với những thách thức lớn, trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc và nguồn thu giảm mạnh.
Algeria và Saudi Arabia: Chung hoàn cảnh khác chiến lược. Ảnh minh họa: wit-invest.com

Hai nước này cũng đang cần khẩn cấp đa dạng hóa nền kinh tế, nhưng cách giải quyết vấn đề của hai nước có sự khác biệt. 

Saudi Arabia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, cùng với đó là trữ lượng ngoại hối và khối tài sản ở nước ngoài trị giá hàng trăm tỷ USD. Trong khi đó, Algeria có trữ lượng ngoại hối khiêm tốn hơn với 140 tỷ USD và thu nhập đang cạn kiệt.

Nhưng trên hết là sự khác nhau trong phản ứng với cuộc khủng hoảng, chiến lược được áp dụng để thoát khỏi khủng hoảng, các giải pháp chính trị và kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách hai nước đưa ra.

Khủng hoảng giá dầu bắt đầu từ giữa năm 2014. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Algeria đã từ chối đưa ra khái niệm “khủng hoảng” và vẫn hy vọng giá dầu sẽ quay trở lại mức bình thường. Nhưng tình trạng này đã kéo dài hơn dự kiến và bất chấp ý kiến của các chuyên gia, Algeria vẫn luôn từ chối thừa nhận bị "khủng hoảng".

Về phần mình, Saudi Arabia phải chịu một phần trách nhiệm trong việc để giá dầu lao dốc trong một thời gian dài và tạo nên tình trạng dư cung trên thị trường nhằm bảo vệ thị phần của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Điều đó có nghĩa là Saudi Arabia từ chối hỗ trợ giá dầu, đồng thời chấp nhận những tác động tiêu cực của giá dầu thấp đến ngân sách nước này. Nhưng Saudi Arabia đã lập ra một kế hoạch, một mục tiêu rõ ràng và đã bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện một chiến lược.

Trên thực tế, mọi người đã nhận ra rằng ngay từ năm 2014, Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohamed Ben Salmane đã khởi xướng một kế hoạch trị giá 2.000 tỷ USD mang tên "Tầm nhìn 2030" để đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Kế hoạch trên được công bố trong bối cảnh Saudi Arabia đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua việc thu hút các khoản đầu tư, triển khai các cải cách kinh tế cần thiết và các dự án kinh doanh.

Theo thống kê, dầu mỏ đóng góp hơn 80% ngân sách của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là Saudi Arabia với tỷ lệ lên đến hơn 90%. Với “Tầm nhìn 2030”, Saudi Arabia đặt mục tiêu vươn từ vị trí là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới lên Top 15 nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Trong khi đó, tại Algeria, hồi tháng Ba vừa qua, Thủ tướng nước này Abdelmalek Sellal thông báo một chương trình kinh tế mới sẽ được công bố trong tháng Tư này. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy ông Sellal đưa ra thêm bất cứ một tuyên bố nào về chiến lược kinh tế mới này.

Chính phủ Algeria còn đã thông báo soạn thảo một chương trình mới trong hai tháng tới sau khi đã bác bỏ tồn tại khủng hoảng kinh tế. Các chuyên gia hiện đang nghi ngờ về tính hợp lý của việc một chiến lược kinh tế được soạn thảo trong thời gian ngắn như vậy?

Một chính sách kinh tế mới sẽ được Algeria công bố tới đây. Ảnh: TTXVN

Tại Algeria, phát hành trái phiếu được xem là “liều thuốc bách bệnh”, một giải pháp cách mạng giúp quốc gia Bắc Phi này thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế.

Không kể tới những trường hợp phát hành trái phiếu lớn để phục vụ các dự án hạ tầng, như việc mở rộng kênh đào Suez của Ai Cập, việc phát hành trái phiếu của Algeria có vẻ chỉ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách khổng lồ trong năm 2016.

Việc phát hành trái phiếu tại Algeria cũng gây tranh cãi trong chính nội bộ chính phủ nước này. Bộ trưởng Tài chính Algeria Abderrahmane Benkhalfa cuối cùng cũng đã làm phật lòng Thủ tướng Sellal khi can thiệp nhiều lần để sửa chữa những sai sót trong kế hoạch đưa ra ban đầu.

Trong khi đó, Saudi Arabia lại đang thực hiện một cuộc cách mạng. Bên cạnh tự do hóa và đầu tư trong nhiều lĩnh vực, hoạt động của bộ máy nhà nước cũng đang được rà soát lại. Saudi Arabia dự tính sẽ nhượng lại 5% cổ phần của Aramco.

Không nghi ngờ gì, đây là doanh nghiệp chiến lược nhất thế giới, dựa lưng trên một trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, với việc nhượng lại một số cổ phần của Saudi Arabia ở nước ngoài, giới chức nước này đã thu về 2.000 tỷ USD để thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế.

Một mục tiêu đã được chính phủ nước này đề ra: Từ năm 2030, nền kinh tế Saudi Arabia sẽ chấm dứt sự lệ thuộc vào dầu mỏ. Để có thể thực hiện một chính sách như vậy, Hoàng Thái tử Mohamed Ben Salmane đã phải đối đầu với tầng lớp bảo thủ ở nước này, làm một cuộc cách mạng về tâm lý và đi ngược lại những ý tưởng thủ cựu.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục