Ấm trầm sắc Xuân Cố đô

13:32' - 08/02/2016
BNEWS Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức thêm nhiều hoạt động vui Tết đón Xuân phục vụ nhân dân.
Khách trong nước và nước ngoài tham quan Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, Lăng Tự Đức; Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Trong chương trình mở cửa miễn phí tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế, ngay từ sáng mồng 1 Tết Bính Thân có rất đông người dân trong vùng đến tham quan. Người khách lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Thanh Xuân, lão thành cách mạng, năm nay gần 90 tuổi được con cháu đưa đến thưởng ngoạn cố đô đầu năm từ rất sớm.
Gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này, chứng kiến bao đổi thay của lịch sử, từ hoang tàn, đổ nát trong chiến tranh nay thấy cố đô được trùng tu ngày một khang trang, ông rất phấn khởi và mong sống lâu hơn nữa cùng cháu con, trong cảnh thanh bình của đất nước.
Thành thường lệ, trong 3 ngày, từ 8-10/2, tức từ 1-3 Tết Bính Thân, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế miễn vé vào cửa cho nhân dân và khách du lịch là người Việt Nam (kể cả Việt kiều) khi đến tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế. Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức thêm nhiều hoạt động vui Tết đón Xuân phục vụ nhân dân.

Trung tâm tổ chức biểu diễn "Ngũ lân nghinh Xuân" tại Ngọ Môn; trình diễn thư pháp, trò chơi cung đình và dân gian, trình diễn lân, sư, rồng tại sân Điện Thái Hoà; lễ Đổi gác tại Ngọ Môn vào 9h30 hàng ngày; trình tấu Đại nhạc, tiểu nhạc tại sân Thế Miếu và sân điện Thái Hoà, hấp dẫn và thu hút du khách...
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, trung tâm đã và đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng không gian giới thiệu tổng thể di tích Huế để giới thiệu về di sản Huế ngày một có hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn; tổ chức các loại hình dịch vụ mới lạ tại các điểm di tích…tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận thông tin tổng quan về di sản văn hóa Huế.

Trung tâm còn bố trí đủ lực lượng phục vụ của thuyết minh viên, cán bộ bảo vệ và tất cả những người phục vụ Tết nhằm đưa đến hình ảnh di tích Huế thật sự thân thiện, mang lại cảm giác hài lòng hơn của du khách khi đến thăm di tích Huế.
Hệ thống di tích Cố đô Huế đã chuyển từ giai đoạn cứu nguy khẩn cấp theo khuyến cáo của UNESCO từ sau giải phóng, đến nay đã được trùng tu, từng bước trả lại vẻ đẹp của "lầu son, gác tía" và phát huy giá trị trong việc đón khách du lịch. Một trong những yếu tố làm nên thành tựu đó là đẩy mạnh công tác trùng tu di tích.

Thực hiện "Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020" theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tính trong năm 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành trùng tu, tôn tạo 24 công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế với tổng nguồn vốn đạt gần 155 tỷ đồng.
Các dự án được trùng tu, tu bổ, phục hồi bao gồm: di tích Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Nhật Thành Lâu; các dự án tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (hợp phần bảo tồn, tu bổ di tích); tu bổ phục hồi lăng Tự Đức; bảo tồn thích nghi vườn Thiệu Phương; Tả-Hữu Tùng viện (lăng vua Thiệu Trị); lăng Tự Đức, Triệu Tổ miếu, lầu Tàng Thơ...

Đến nay, một số công trình tiêu biểu ở di tích Cố đô Huế đã và đang được trùng tu góp phần phát huy giá trị di tích trong việc đón khách du lịch.
Tiêu biểu là công trình Ngọ Môn, cổng lớn nhất (nằm ở phía Nam) trong bốn cổng chính của Hoàng thành Huế được trùng tu toàn diện và đưa vào sử dụng trong năm 2015, với kinh phí trên 43 tỷ đồng. Công trình Ngọ Môn được xây dựng năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng.

Lần trùng tu gần đây nhất là năm 1992, với kinh phí 100.000 USD từ nguồn tài trợ của Nhật Bản. Tuy nhiên, lần trung tu đó chưa đạt do số vốn hạn chế và hiện nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là Lầu Ngũ Phụng.
Bên cạnh văn hoá vật thể, việc sưu tầm, phục hồi văn hoá phi vật thể nhất là năm 1993 đến nay, kể từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã quy tụ hơn 170 nghệ sỹ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để đưa Nhã nhạc cung đình Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua, phủ chúa xưa, nay đến rộng rãi với công chúng.

Nhà hát Duyệt Thị Đường, có niên đại 200 năm trong Đại Nội, Huế đã được phục hồi, làm nơi dàn dựng và tổ chức biểu diễn các tiết mục đặc sắc như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa).
Đặc biệt, nhiều tiết mục hấp dẫn thu hút du khách với tiết tấu của khúc nhạc "Đăng đàn cung", một tác phẩm thuộc Nhã nhạc cung đình Huế.

Với nhiều hoạt động diễn xướng được mở ra như vậy, không gian của Hoàng cung - Đại Nội Huế đang dần sinh động hơn và thoả mãn được phần nào nhu cầu thưởng ngoạn văn hoá lịch sử của du khách. Gần đây, Huế cũng đã thành công trong việc sưu tầm thành công bài bản nhã nhạc cung đình "Thái Bình Cổ Nhạc".
Đây là một tác phẩm nhạc lễ, nội dung do nhiều phần ghép lại với nhau, bao gồm: Tam luân cửu chuyển, giá một, giá hai, giá bảy, giá ký, quân đại, quân tiểu và mở cờ. Mỗi phần là một nội dung hoàn chỉnh và độc lập nên có thể tách rời ra làm thành nhiều bài bản nhỏ riêng biệt.

Tác phẩm Nhã nhạc này được các nghệ nhân cung đình sáng tác để phục vụ cho các tế lễ của triều đình. Nhà hát Duyệt Thị Đường hiện có 4 suất diễn/ngày đêm phục vụ khách tham quan, lúc nào cũng đông du khách đến thưởng thức.
Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng và tăng cường các hoạt động kích cầu tại Di sản Huế để phục vụ, thu hút du khách, phấn đấu cùng toàn tỉnh đón đạt từ 3,1 đến 3,3 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt), doanh thu du lịch tăng từ 15 đến 18% so với năm 2015.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục