Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi nylon nhập khẩu từ Việt Nam

11:38' - 26/08/2017
BNEWS Sản phẩm điều tra chống bán phá giá gồm sợi nylon Filament Yarn (Multi Filament), bao gồm tất cả các sản phẩm sợi có mã HS: 5402; ngoại trừ mã HS: 5402.10 (high tenacity yarn of nylon).

Bộ Công Thương cho biết, Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) - thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ra thông báo (F No 14/33/2016-DGAD) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi nylon Filament Yarn (Multi Filament) nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.
Trước đó, ngày 15/6/2017, DGAD thông báo đã nhận được đơn kiện của ngành sản xuất nội địa đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm này.
Theo Bộ Công Thương, sản phẩm điều tra gồm sợi nylon Filament Yarn (Multi Filament), bao gồm tất cả các sản phẩm sợi có mã HS: 5402; ngoại trừ mã HS: 5402.10 (high tenacity yarn of nylon).
Giai đoạn điều tra bán phá giá kéo dài 18 tháng bắt đầu từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2017. Cùng đó, giai đoạn điều tra thiệt hại kể từ năm 2013-2016 và giai đoạn điều tra phá giá.
Cũng theo nguồn từ Bộ Công Thương, nguyên đơn là Công ty TNHH JCT, Công ty TNHH Gujarat Polyfilms, Công ty TNHH Hóa chất và phân bón bang Gujarat; Công ty TNHH Prafful Overseas & AYM Syntex (trước đây là Welspun Syntex). Ngoài ra có 5 công ty khác cũng ủng hộ đơn kiện.
Nguyên đơn cáo buộc rằng do thiếu số liệu tin cậy sẵn có về giá nội địa tại các nước bị điều tra, giá trị thông thường đã được ước tính dựa trên cơ sở chi phí sản xuất tại Ấn Độ, có điều chỉnh một cách hợp lý các chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí hành chính và lợi nhuận hợp lý.
Nguyên đơn cũng nêu rõ sản phẩm bị điều tra được xuất khẩu sang Ấn Độ với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Ấn Độ thể hiện ở khả năng sinh lời thấp, sự suy giảm lợi nhuận trên vốn đầu tư, sụt giảm dòng tiền mặt, suy giảm hiệu suất, giảm thị phần….
Đồng thời, cơ quan điều tra nhận thấy có đủ bằng chứng chứng minh việc bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại đó, do đó đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá để xác định sự tồn tại, mức độ và tác động của việc bán phá giá và xác định mức thuế chống bán phá giá đủ để loại bỏ thiệt hại.
Theo quy trình điều tra chống bán phá giá của Ấn Độ, các bên liên quan có thời hạn 2 tuần kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra để đăng ký làm bên liên quan và có thời hạn 40 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng để: nộp thông tin liên quan tới vụ việc; nộp đơn yêu cầu điều trần tới cơ quan điều tra; nộp bản bình luận và bản trả lời câu hỏi đến Cơ quan điều tra.
Cơ quan điều tra sẽ sử dụng chứng cứ sẵn có trong trường hợp không nhận được thông tin nào hoặc nhận được thông tin không hoàn chỉnh hoặc sự bất hợp tác từ các bên liên quan.
Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 11 của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 của Ấn Độ với sản phẩm sợi của Việt Nam (hai vụ việc trước đây vào năm 2016 và 2008).

Ngoài ra, năm 2014, Ấn Độ cũng điều tra tự vệ với sản phẩm sợi đàn hồi thô (trong đó hàng xuất khẩu của Việt Nam có liên quan) tuy nhiên đã không áp thuế)./.

>>> Những nhóm mặt hàng nào thay đổi thuế suất xuất khẩu từ 1/1/2018?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục