Ấn Độ - Ngôi sao sáng trong BRICS

15:25' - 03/09/2015
BNEWS Trong khi phần lớn các nền kinh tế trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) như Trung Quốc, Brazil và Nga gặp khó khăn, Ấn Độ nổi lên như “ngọn hải đăng” tăng trưởng và ổn định.

Kinh tế Ấn Độ trong quý II/2015 tăng trưởng 7%, giảm so với mức 7,5% của quý trước đó. Nhưng mức tăng trưởng này vượt hẳn so với các “cựu ngôi sao” BRICS đang nhanh chóng mờ nhạt như Brazil, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái, khi giảm 1,9% trong quý II, sau khi giảm 0,7% trong quý I.

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vượt trội so với các nước trong BRICS. Ảnh: Reuters

Kinh tế Nga trong quý II cũng sụt giảm 4,6% so với cách đây một năm, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2009. Riêng Trung Quốc công bố kinh tế tăng trưởng 7% trong hai quý đầu năm, bằng mục tiêu tăng trưởng của cả năm, nhưng các nhà quan sát nghi ngại về số liệu kinh tế Trung Quốc khi lỗ hổng trong bức tranh tăng trưởng của nước này thể hiện trong các thông tin khác.

Chẳng hạn như kết quả khảo sát về hoạt động chế tạo của Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong tháng 8/2015 với Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức rớt xuống dưới 50 điểm và là thấp nhất kể từ tháng 8/2012, báo hiệu sự suy giảm hoạt động của các nhà sản xuất lớn.

Nhu cầu toàn cầu yếu hơn tác động mạnh đến các nhà xuất khẩu Ấn Độ, bởi họ thường ít có khả năng cạnh tranh so với các đối tác. Tuy vậy, việc nền kinh tế Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn này chứng minh lĩnh vực dịch vụ đang phát triển và thị trường tiêu dùng trong nước ngày càng tăng.

Trung Quốc, trong nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào đầu tư và xuất khẩu, đang theo đuổi kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi của Trung Quốc rất bấp bênh và Ấn Độ dường như làm tốt hơn.

Lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn một nửa tổng giá trị nền kinh tế Ấn Độ và 2/3 số doanh nghiệp dịch vụ có tăng trưởng trong quý II vừa qua.

Nhà kinh tế toàn cầu Jay Bryson của Wells Fargo Securities lưu ý định hướng tương đối của nền kinh tế Ấn Độ đối với lĩnh vực dịch vụ nhìn chung tốt trong môi trường kinh tế tài chính toàn cầu biến động hiện nay.

Nền kinh tế với số lượng người tiêu dùng lớn thứ hai thế giới có thể chưa sẵn sàng trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu nhưng Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đã đúng khi tuyên bố đây là lúc Ấn Độ cần nắm lấy cơ hội đẩy nhanh cải cách cơ cấu để có thể tranh thủ được những cơ hội trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là thách thức đối thủ Trung Quốc.

Trong khi giá hàng hóa giảm, hầu hết đồng tiền của các thị trường mới nổi đã giảm mạnh. Quyết định của Bắc Kinh phá giá đồng NDT đã làm xuất hiện nguy cơ cuộc chiến tiền tệ. Các nước như Indonesia và Malaysia đã chứng kiến đồng nội tệ giảm giá sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, đưa chi phí nhập khẩu lên cao, trong khi đẩy tăng trưởng xuống thấp.

Trong khi đó, nhờ được cách ly tương đối với những biến động trên thị trường toàn cầu, đồng rupee của Ấn Độ phần nào được bảo vệ, chỉ giảm khoảng 4% giá trị so với đồng bạc xanh kể từ tháng 5/2015.

Viên Thị Luyến (P/v TTXVN tại Ottawa)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục