Ẩn số lớn của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore

05:30' - 23/05/2018
BNEWS Tờ Le Monde của Pháp nhận định rằng vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa những tuyên bố của Triều Tiên và yêu cầu của Mỹ về việc Bình Nhưỡng phải phá hủy toàn bộ cơ sở hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 12/5, Triều Tiên thông báo sẽ phá dỡ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Đông Bắc nước này. Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ mời quan sát viên và nhà báo nước ngoài tới chứng kiến sự kiện quan trọng, dự kiến diễn ra từ ngày 23-25/5.

Theo hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên, tiến trình phá dỡ, địa điểm, nơi đã thực hiện 6 vụ thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất từ năm 2006 đến nay, sẽ bao gồm dùng thuốc nổ phá hủy các đường hầm sâu trong núi và phong tỏa tất cả các lối vào bãi thử. 

Cuộc “trình diễn” lớn sắp tới không thể không gợi đến vụ phá dỡ các tháp làm mát của nhà máy điện Yongbyon hồi tháng 6/2008, sau thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân (gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản). 

Thỏa thuận khi đó đã không dẫn tới một cái kết tích cực do vấp phải tranh cãi với Mỹ về việc thanh sát tiến trình xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Chỉ bốn tháng sau, Bình Nhưỡng tuyên bố nối lại chương trình tái chế uranium. 

Hiện nay, tình hình đã có nhiều thay đổi. Cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được quyết định diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Bình Nhưỡng cũng đưa ra một tín hiệu thiện chí khác, đồng ý trả tự do cho ba công dân Mỹ bị giam giữ ở nước này.

Cử chỉ của họ đã được Tổng thống Mỹ hoan nghênh, coi đây là hành động “rất thông minh và đáng mến”. Hai bên rõ ràng đã đạt được những bước tiến lớn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của việc phá dỡ trung tâm Punggye-ri, cũng như về nội dung của cuộc thảo luận sắp tới. 

Theo một số nhà phân tích, việc tháo dỡ cơ sở Punggye-ri không phải là một nhượng bộ thực sự: sau 6 vụ thử liên tiếp, kết cấu địa chất của nơi đây trở nên mất ổn định và trở thành địa điểm không thể sử dụng được nữa. Triều Tiên không đồng tình với nhận xét này, cho rằng hai đường hầm vẫn còn đang tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, những kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh của các chuyên gia thuộc tổ chức 38 North, trang web chuyên về Triều Tiên, dường như đã phản bác hoàn toàn lập luận của Bình Nhưỡng. Việc phá bỏ bãi thử này chỉ cho thấy rằng hiện nay, Triều Tiên đã tự tin vào khả năng hạt nhân của mình, không cần các thử nghiệm dưới lòng đất thêm nữa. 

Tại hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 4, Kim Jong-un cũng đã công khai tuyên bố các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo không còn cần thiết và lần đầu tiên tiết lộ rằng Bình Nhưỡng có khả năng tiến hành các vụ thử được mô phỏng trên máy tính, giống như các cường quốc hạt nhân hàng đầu khác như Mỹ, Nga hay Trung Quốc. 

Nói cách khác, Bình Nhưỡng chắc chắn có thể giải giáp các loại vũ khí hạt nhân đang sở hữu, nhưng không có ý định từ bỏ công nghệ hạt nhân. 

Một ẩn số lớn của cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore là mức độ nhượng bộ mà mỗi bên sẵn sàng chấp nhận. Hiện nay, lập trường của hai nước vẫn khá xa nhau: Mỹ và đồng minh yêu cầu tiến trình phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tiến trình này phải thực hiện rất nhanh chóng: hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn giấu tên cho biết Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phải chuyển giao cho một nước thứ ba toàn bộ vũ khí hạt nhân và nguyên liệu phân hạch mà họ đang nắm giữ trong vòng vài tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. 

Tuy nhiên, Triều Tiên lại có quan điểm ngược lại: quá trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra tuần tự theo từng bước, có đi có lại, mỗi một nhượng bộ đưa ra phải có một bồi hoàn tương xứng. Quan điểm này được Trung Quốc và Hàn Quốc ủng hộ. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và ông Kim Jong-un, thông cáo chung không đề cập tới một thời gian biểu cụ thể nào.

Trái lại, hai miền Triều Tiên tuyên bố ủng hộ “phi hạt nhân hóa trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên”. Không có nội dung nào nhắc đến phi hạt nhân hóa đơn phương của Triều Tiên. Trên thực tế điều đó đụng chạm tới cái ô hạt nhân của Mỹ che chở cho Hàn Quốc và rộng hơn, cho tất cả các đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Để đổi lấy những nhượng bộ về kho vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng yêu cầu được bảo đảm an ninh, trong đó có việc ký kết một hiệp định hòa bình chấm dứt hẳn chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), vốn trên danh nghĩa chỉ được tạm ngừng bởi một thỏa thuận đình chiến kéo dài gần 70 năm nay.

Do đang muốn tìm kiếm một thắng lợi về ngoại giao, ông Trump dường như sẵn sàng chấp nhận điều này. Nhưng ngoài hiệp định được coi là sẽ dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều, liệu Bình Nhưỡng còn đòi hỏi sự bảo đảm nào nữa hay không? 

Liệu chỉ một tuyên bố đơn thuần không xâm lược có đủ thuyết phục Bình Nhưỡng hay không, trong khi Washington vừa mới đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một điều cho thấy Mỹ có thể dễ dàng tử bỏ cam kết của mình? Tự phi hạt nhân hóa trong bối cảnh hiện nay, đối với chế độ của Kim Jong-un, có thể đồng nghĩa với việc chấp nhận một rủi ro rất lớn.

Việc Thư ký An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton vụng về nêu trường hợp của Lybia trước đây như là một tấm gương nên noi theo, chắc chắn sẽ nhắc nhở nhà lãnh đạo Triều Tiên lưu ý tới kết cục của Mouammar Kadhafi, một sự kiện từng thôi thúc họ nên đẩy nhanh các nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân để tạo ra sức mạnh răn đe.

Cho dù Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân họ đang sở hữu, điều rất quan trọng là làm thế nào để nắm được số lượng đích xác là bao nhiêu – 10 hay 16 đầu đạn vào năm 2016 – cũng như địa điểm bố trí của chúng. 

Hơn nữa, Bình Nhưỡng dường như không sẵn sàng từ bỏ công nghệ hạt nhân tiên tiến, cho phép họ trong tình huống cần thiết, nhanh chóng sản xuất kho vũ khí mới. Chưa kể đến việc CHDCND Triều Tiên cũng được cho là đang sở hữu một kho vũ khí hóa học đáng nể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục