An toàn thực phẩm: Mối lo của cả những nước giàu

05:31' - 23/05/2016
BNEWS Câu chuyện vệ sinh và an toàn thực phẩm không chỉ "nóng" tại các nền kinh tế kém và đang phát triển, mà vấn đề này cũng chưa khi nào “nguội” ngay cả ở những nền kinh tế tiên tiến như Vương quốc Anh.

Nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng

Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đánh giá các cơ sở bán thực phẩm và đồ uống theo thang điểm từ 0 (mức cần nhanh chóng cải thiện) đến 5 (đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh), dựa trên các yếu tố như nhà bếp sạch sẽ; phương pháp sơ chế, nấu và lưu trữ thức ăn; độ an toàn của cơ sở và hiệu quả quản lý.

Tần suất các đợt kiểm tra sẽ phụ thuộc vào từng loại hình cơ sở kinh doanh thực phẩm và đồ uống, dao động trong khoảng 6 tháng đến ba năm/lần.

Mỗi năm ước tính có khoảng 20.000 người nhập viện và 500 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm tại nước Anh. Giáo sư Steve Tombs thuộc CCJS cho rằng nhiều trường hợp tử vong có thể tránh được, nếu chính phủ nước này tăng cường giám sát và hoàn thiện các quy định còn sơ hở liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mỗi năm có khoảng 500 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm tại nước Anh. Ảnh minh họa: Reuters

Trung tâm nghiên cứu tội phạm và tư pháp (CCJS, có trụ sở tại London) cho rằng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm ngặt đã tạo ra hậu quả trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, CCJS chỉ ra rằng việc các công ty tư nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và quản lý dưới sự giám sát của cơ quan chức năng là lý do dẫn tới môi trường pháp lý ngày càng lỏng lẻo. 

Trong khi đó, Hiệp hội chính quyền địa phương (LGA) cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện các cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định do áp lực ngân sách hạn hẹp và thiếu nhân lực.

BBC dẫn lời một nhà chức trách địa phương cho biết số lượng thanh tra môi trường giảm đi trong khi công việc thì tăng lên, do vậy thời gian kiểm tra một cơ sở cũng ngắn hơn. Theo số liệu của Viện nghiên cứu tài chính, chi tiêu của chính quyền địa phương ở nước Anh đã giảm 20,4% trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015.

>>> Xem thêm: Chia sẻ kinh nghiệm và điều phối an toàn thực phẩm

Siết chặt môi trường pháp lý

Khách hàng có thể kiểm tra điểm đánh giá vệ sinh của 412.000 địa điểm ăn uống ở nước Anh tại trang điện tử của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực Phẩm (FSA), song các cơ sở không bắt buộc phải "trưng" điểm số này trên cửa ra vào.

LGA, vốn được coi là tiếng nói của hơn 370 chính quyền địa phương trên toàn nước Anh và xứ Wales, mới đây đã kiến nghị tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống trên toàn nước Anh bắt buộc phải công bố tại cửa hàng điểm xếp hạng vệ sinh thực phẩm nhằm mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.

Nhiều sai phạm liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị xử lý. Ảnh minh họa: Reuters

Đề xuất trên nhận được sự ủng hộ của Viện y tế và môi trường, cùng nhiều cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế và môi trường..., trong bối cảnh chính quyền đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian gần đây.

Trong năm ngoái, nhà hàng Maze ở Mayfair, London của Gordon Ramsay, đầu bếp lừng danh người Scotland, chỉ được đánh giá ở mức 2 trên thang điểm 5 sau khi thanh tra phát hiện có gián tại đây. Nhà hàng đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm ngặt và hiện đã đạt điểm số tuyệt đối về đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Tại Croydon, khu vực sầm uất phía Nam của London, hơn 100 cửa hàng kinh doanh thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong năm ngoái, trong đó có 22 cơ sở trên cùng một con phố. Tháng 11/2015, công ty quản lý hai cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống 99p Stores tại đây đã bị phạt 154.000 bảng, một những khoản tiền phạt lớn nhất do vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thanh tra y tế thuộc Hội đồng thành phố Liverpool tìm thấy dấu hiệu phá hoại của chuột tại một cửa hàng thuộc thương hiệu Costa Coffee nằm ở trung tâm thành phố. Costa Coffee đã tự nguyện đóng cửa cơ sở này ngay sau đó và nhận án phạt 13.200 bảng hồi tháng Ba vừa qua.

Cuộc chiến không của riêng ai

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) vừa thông báo trong khuôn khổ chiến dịch "Opson V" do Interpol và Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) phối hợp thực hiện, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ khoảng 10.000 tấn thực phẩm giả, thực phẩm "bẩn" hoặc trộn phụ gia độc hại tại 57 nước.

Lực lượng chức năng đang tiêu hủy thực phẩm bẩn. Ảnh: Reuters

Điều đáng lưu ý là thực phẩm "bẩn" xuất hiện tràn lan, từ các nước công nghiệp tới các nước đang phát triển. Tại Italy, cảnh sát đã thu giữ 85 tấn quả ô-liu được nhuộm bằng dung dịch sun-phát đồng để có được màu sắc hấp dẫn người tiêu dùng. 

Còn cảnh sát Thái Lan đã lần ra đường dây nhập lậu thịt "bẩn", qua đó 30 tấn thịt bò, thịt lợn "bẩn" bị tiêu hủy và không bị đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị.

Các chiến dịch "Opson V" bắt đầu diễn ra từ năm 2011 nhằm ngăn chặn thực phẩm và nước giải khát "bẩn" - mối đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe người dân và an ninh lương thực - đã nhanh chóng được triển khai tại gần 60 nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục