Ảnh hưởng của Nga và EU ở khu vực Balkan

06:03' - 11/03/2018
BNEWS Theo hãng tin AP, trong nhiều năm qua, Nga đã tích cực tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Âu, sử dụng Serbia như là một chỗ đứng nhằm thiết lập sự thân thiện ở nơi “đầy thù địch" này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã "phản công". Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đang tiến hành chuyến thăm tới các quốc gia Balkan, trong đó có Serbia, nhằm thúc đẩy chiến lược mở rộng mới về phía Đông của EU.

Phát biểu trước chuyến thăm, ông Juncker nói: "Đầu tư vào sự ổn định và thịnh vượng của Tây Balkan là sự đầu tư vào an ninh và tương lai của EU".

Chuyến viếng thăm các nước Balkan của ông Juncker, bắt đầu tại Macedonia từ ngày 25/2 và kết thúc bằng một hội nghị thượng đỉnh EU tại Bulgaria vào ngày 1/3, được coi là nỗ lực muộn màng của EU nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Nga.

EU coi triển vọng trở thành thành viên của khối này như một động lực cải cách ở khu vực Balkan từng bị chiến tranh tàn phá vào những năm 1990. Chiến lược mở rộng của EU coi Serbia và Montenegro là những ứng cử viên sẽ gia nhập EU vào năm 2025.

Phương Tây ngày càng lo ngại rằng Nga đang sử dụng Serbia để gây căng thẳng ở Balkan bằng cách trang bị cho đồng minh này nhiều máy bay chiến đấu và xe tăng trong khi tiến hành các hoạt động gây bất ổn ở Bosnia, Montenegro và Macedonia.

Những chính sách đối ngoại và an ninh của EU được bắt nguồn từ sự thất bại của EU trong việc đối phó với các cuộc chiến tranh ở khu vực Balkan, đi kèm với sự tan vỡ của Nam Tư. EU vẫn nghi ngại rằng sự phân biệt sắc tộc từng gây ra những cuộc xung đột trong những năm 1990 vẫn tồn tại ở khu vực này.

Về phần mình, Nga chủ yếu muốn ngăn cản các quốc gia Tây Balkan - bao gồm Albania, Bosnia, Macedonia, Montenegro, Kosovo và Serbia - gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng hiện nay, Moskva cũng đang tìm cách ngăn cản họ tham gia vào EU.

Serbia là một mục tiêu chủ yếu của các hoạt động chống phương Tây mà Moskva đưa ra ở châu Âu bởi vì hai quốc gia này có mối quan hệ văn hoá và lịch sử sâu sắc. Điện Kremlin rất lo ngại sẽ mất đi đồng minh này. Khi có mặt ở Serbia hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nhiều lần nói rằng tư cách thành viên EU không phải là tất cả.

Ông Lavrov cũng đưa ra cảnh báo rằng việc EU nhiều lần kêu gọi Serbia điều chỉnh chính sách đối ngoại của nước này sao cho phù hợp với chính sách của EU như một điều kiện tiền đề để có tư cách thành viên và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga là "sai lầm", tương tự như cách phương Tây đã tạo ra bằng cách gây sức ép đối với Ukraine trong việc lựa chọn giữa Nga và EU.

Ông Lavrov cũng nói rằng châu Âu đang phải đối mặt với “một tình huống nguy hiểm" vì sự mở rộng về phía Đông của NATO. Montenegro đã gia nhập NATO vào năm ngoái mặc dù Moskva phản đối mạnh mẽ. Ông Lavrov đã ca ngợi Belgrade duy trì sự trung lập quân sự và từ chối gia nhập NATO. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng quan điểm này là một trong những yếu tố chính đảm bảo sự ổn định ở Balkan và châu Âu nói chung".

Nga đang ngày càng lo lắng do lần lượt mất đi các đồng minh ở Balkan. Không rõ Nga muốn bảo vệ lợi ích của mình ở đây đến mức nào, nhưng dựa vào những gì họ đã làm ở Ukraine thì có thể dự đoán rằng họ đã sẵn sàng tiến xa. Nga và các chính sách của họ ở Balkan đã phát ra những tiếng chuông cảnh báo, đánh thức EU hành động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục