Ảo tưởng siêu cường của Brazil: Giấc mơ không thành

06:30' - 22/07/2017
BNEWS Nhà tư tưởng Golbery do Couto e Silva đã bảo vệ quan điểm rằng Brazil “phải trở nên vĩ đại nếu không sẽ sụp đổ”, mà sau này trở thành kim chỉ nam cho giới lý luận của Học viện Quân sự Cấp cao (ESG).
Ảo tưởng siêu cường của Brazil: Giấc mơ không thành. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo mạng tin Rebelión, việc một tòa án ở Brazil kết án 9 năm rưỡi tù đối với cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva có thể coi là chiếc đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài, chôn vùi dự án tham vọng biến đất nước lớn nhất Mỹ Latinh này thành một quốc gia thực sự độc lập với Mỹ, với ảnh hưởng riêng biệt tại khu vực và trên toàn cầu. 

Trước đó, hai nhân vật cốt cán theo đuổi mục tiêu cao xa này cũng đã bị bỏ tù, đó là Marcelo Odebrecht, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht, và Phó Đô đốc Othon Luiz Pinheiro da Silva, “cha đẻ" của chương trình hạt nhân Brazil.

Dự án biến Brazil thành cường quốc vốn có một lịch sử dài, bắt đầu ít nhất từ những năm 1950 trong nhiệm kỳ cầm quyền chính thức lần 2 (1951-1954) của Tổng thống huyền thoại Getúlio Vargas. 

Trong bức thư tuyệt mệnh của mình, ông Vargas cho biết ông chịu nhiều sức ép từ Washington do Chính phủ Mỹ không chấp nhận lựa chọn con đường phát triển lĩnh vực hạt nhân một cách độc lập của chính trị gia được coi là có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Brazil thế kỷ XX này. 

Ông viết chỉ ít lâu trước khi tự tử bằng một phát súng vào tim ngày 24/8/1954: “Tôi đã đấu tranh chống lại sự tước đoạt quyền chính đáng của Brazil”.

Theo lời khẳng định của tác giả Alberto Moniz Bandeira trong tác phẩm “Sự hiện hữu của Mỹ tại Brazil” năm 2010, Tổng thống theo đường lối thúc đẩy phát triển Juscelino Kubitschek (nhiệm kỳ 1956-1960) hồi năm 1959 đã tố cáo “Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và những kẻ thù của một Brazil độc lập đã cố gượng ép một hiệp định chiến lược quốc gia nhằm đưa nền công nghiệp Brazil vào tay nước ngoài”.

Một thập kỷ sau, những tham vọng đó của giới quân sự Brazil đã được Golbery do Couto e Silva, sĩ quan cấp tướng và chính trị gia, hoạch định lại trong tác phẩm kinh điển “Địa chính trị Brazil” (1978) là: liên minh với Washington chống lại chủ nghĩa cộng sản, mở rộng bên trong về phía Amazon và bên ngoài về phía Thái Bình Dương để hoàn thành “vận mệnh hiển nhiên”. 

Nhà tư tưởng này bảo vệ quan điểm rằng Brazil “phải trở nên vĩ đại nếu không sẽ sụp đổ”, mà sau này trở thành kim chỉ nam cho giới lý luận của Học viện Quân sự Cấp cao (ESG), nơi đào tạo những quan chức cao cấp nhất của giới tư sản Brasil, trong đó có Marcelo Odebrecht. 

Trong tạp chí của Hiệp hội cựu học viên của ESG cách đây mới 6 năm, ông đã cảm ơn ngôi trường và sự nghiêm túc của lực lượng vũ trang Brazil “trong việc đào tạo lãnh đạo cả cho lĩnh vực công lẫn khu vực tư nhân”, và nói rằng các học thuyết của học viện này “đóng góp hiệu quả vào phát triển quốc gia”.

Không phải tình cờ mà những doanh nghiệp tư nhân lớn của Brazil (Camargo Correa, Odebrecht, Gerdau, Votorantim, Andrade Gutierrez v.v...) đã vươn lên đều nhờ những công trình lớn trong thời kỳ chính quyền quân sự tại Brazil (1964-1985). 

Dự án hạt nhân chủ chốt của Brazil, Chương trình Hạt nhân Hải quân, được khởi động năm 1979 và chỉ một thập kỷ sau đã làm chủ được toàn bộ chu kỳ làm giàu urani với các máy li tâm chế tạo trong nước. 

Phản ứng của Washington cũng cứng rắn như cuộc tấn công vào Vargas những năm 1950. Quốc gia rộng lớn và đông dân nhất Mỹ Latinh bị đưa vào “danh sách đen” khiến họ không nhập khẩu được các nguyên liệu cần thiết cho chương trình hạt nhân của mình.

Phó Đô đốc Othon là tổng công trình sư chính của chương trình này. Đây là lý do khiến ông bị “nhân viên CIA theo dõi” trong nhiều năm. Điều này cũng được các phương tiện truyền thông quân sự Brazil từng vài lần đề cập. 

Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: EPA/TTXVN

Danh vọng của ông lớn tới mức giúp ông nhận được 8 huân chương quân sự, nhưng năm 2015, trong khuôn khổ Chiến dịch chống tham nhũng Lava Jato, ông đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng và làm thất thoát ngân sách trên cương vị Giám đốc Electronuclear, công ty quốc doanh chuyên xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

Chương trình hạt nhân của Brazil từng được tái kích hoạt thời chính phủ của Tổng thống Lula, sau khi bị ngừng trong thời kỳ tư hữu hóa tràn lan những năm 1990. 

Một bước ngoặt khác là vào năm 2008, Brazil phát hiện các mỏ dầu khổng lồ nằm ở vùng biển sâu ngoài khơi, thường được gọi là các mỏ ở lớp “tiền muối”, yếu tố khuyến khích Brazil ký một thỏa thuận với Pháp về việc xây dựng tàu ngầm nguyên tử đầu tiên, dành cho nhiệm vụ bảo vệ “Amazon màu xanh dương”, nơi cung cấp tới 90% sản lượng dầu khí quốc gia. 

Và tập đoàn Odebrecht chính là doanh nghiệp được Tổng thống Lula chỉ định, không qua đấu thầu, để xây dựng xưởng đóng tàu ngầm và một căn cứ tàu ngầm tại Vịnh Sepetiba ở Rio de Janeiro. 

Niềm tin của người sáng lập Đảng Lao động (PT) vào tập đoàn này dựa trên cơ sở mối quan hệ thân thiết công khai của ông với gia đình Odebrecht, bắt đầu từ giai đoạn cuối của thời kỳ độc tài quân sự, khi ông nổi lên như một thủ lĩnh công đoàn.

Marcelo, CEO của tập đoàn gánh vác trọng trách thực hiện giấc mơ về một nền quốc phòng độc lập với Mỹ và trở thành tập đoàn tư nhân đa quốc gia hùng mạnh nhất đất nước, đã bị bắt chỉ 8 tuần trước Phó đô đốc Othon. 

Doanh nhân tỷ phú này bị kết án 19 năm tù, nhưng sau đó đã thương lượng khai báo hợp tác với cơ quan điều tra để giảm án; trong khi Phó đô đốc Othon là người lĩnh án nặng nhất trong toàn bộ 144 bị cáo bị giam giữ tính tới thời điểm này của vụ Lava Jato: 43 năm tù giam.

Trong 2 nhiệm kỳ liên tục của Tổng thống Lula da Silva (nhiệm kỳ 2003- 2010), Brazil đã đặt được nền móng cho quá trình hội nhập khu vực một cách tự chủ với việc thành lập Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh-Caribe (CELAC) mà không có sự hiện diện của Mỹ, đồng thời là một thành viên nổi bật trong khối các nền kinh tế mới nổi BRICS. 

Cũng trong thời kỳ này, Brazil thực hiện nhiều công trình hạ tầng cơ sở khổng lồ, một số theo đúng hướng đi của các chính phủ quân sự trước đây, như đập thủy điện Belo Monte, và là chính phủ dân sự đầu tư nhiều nhất cho việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.

Từ những lĩnh vực và tham vọng rất khác nhau, cả 3 nhân vật lớn này có một điểm chung là cùng theo đuổi dự án siêu cường cho Brazil, điều không khỏi khiến Mỹ bực mình. Và họ lần lượt bị hạ bệ, có thể do họ đã chủ quan, đánh giá thấp “siêu cường đế quốc” và quá tin tưởng vào “nền dân chủ”.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng ai đó trong số họ vô tội hay trong sạch: những doanh nhân giàu có thường là những người tham nhũng, vì nếu không, rất khó để họ có thể tích lũy quá nhiều của cải như vậy; trong khi không còn nghi ngờ gì rằng các chế độ quân sự luôn là bộ máy nhà nước tệ hại nhất, trừ phi có ai đó mơ ước về “chế độ quân sự dân chủ”.

Và cuối cùng, có lẽ hiếm có Tổng thống nào trên thế giới là hoàn toàn trong sạch, vì để vươn tới đỉnh cao quyền lực họ thường là những người tham nhũng hoặc chí ít thì cũng đưa ra những lời hứa mà chính họ biết rằng chẳng bao giờ thành hiện thực.

Tuy nhiên, trong trường hợp Brazil, vấn đề cốt lõi không phải là tham nhũng, mà là sự cần thiết phải đập tan một giấc mơ đã có từ lâu về việc trở thành siêu cường và thay đổi tương quan địa chính trị mà không phải trải qua chiến tranh hay xung đột./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục