Áp lực với tỷ giá từ nay tới cuối năm

12:05' - 14/08/2015
BNEWS Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng cần theo dõi sát diễn biến của đồng Nhân dân tệ dài hơi hơn nữa.

Áp lực với tỷ giá từ nay tới cuối năm

Động thái nới biên độ tỷ giá hôm 12/8 của Ngân hàng Nhà nước sau “cú sốc” đồng Nhân dân tệ liên tục điều chỉnh được giới chuyên gia kinh tế nhận định là phản ứng linh hoạt và kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm nhiều hơn là những áp lực đối với điều hành chính sách tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ra sao?

Khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ tỷ giá là một động thái phản ứng nhanh và phù hợp về mặt thời điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách điều chỉnh tỷ giá khá hiệu quả trong thời gian qua và cũng đang linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có quan hệ thương mại, đầu tư với rất nhiều nước khác nhau, đặc biệt là năm nay, Trung Quốc có động thái rất mạnh về chính sách lãi suất và tỷ giá. “Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, cho nên, tôi thấy áp lực về tỷ giá đối với Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước”. Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.

Ngày 14/8, Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ sau ba ngày giảm liên tiếp. Ảnh: THX/TTXVN

Ở một góc nhìn khác, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho rằng cần theo dõi sát diễn biến của đồng Nhân dân tệ dài hơi hơn nữa. Dựa trên tác động của quy luật cung cầu của thị trường, nếu Trung Quốc thực sự cho đồng Nhân dân tệ được điều tiết bằng một cơ chế tỷ giá hối đoái dựa trên các nhân tố của thị trường thì nhìn dưới góc độ thương mại, đồng Nhân dân tệ không mất giá nhiều mà sẽ quay đầu tăng giá.

“Tôi tin rằng đồng Nhân dân tệ trong ngắn hạn có thể mất giá nhưng về lâu dài khoảng chừng 6 tháng trở lên sẽ quay đầu tăng giá. Với Việt Nam là một nước láng giềng với Trung Quốc, chúng ta không chỉ xử lý vấn đề đơn lẻ với một đồng Nhân dân tệ, chúng ta xử lý trên một rổ tiền tệ đại diện cho các quốc gia có mối quan hệ tương tác về thương mại, đầu tư để chúng ta tính toán một cách đầy đủ hơn. Chúng ta có thể tiếp cận tỷ giá hối đoái nhiều cách dựa trên lạm phát và các nhân tố khác, vì vậy cần tiếp tục theo dõi sát để có những ứng xử phù hợp trong tương lai”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói với phóng viên Bnews hôm 13/8.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng cần theo dõi sát diễn biến của đồng Nhân dân tệ dài hơi hơn nữa.

Ngày 14/8, tỷ giá tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD đã tăng 35 điểm cơ bản lên 6,3975 NDT/USD, sau khi giảm ba ngày liên tiếp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 13/8 cho biết hiện không có cơ sở cho việc giảm thêm đồng NDT, trong bối cảnh nền tảng kinh tế đất nước khá mạnh.

Còn dưới góc độ quản lý ngân hàng thương mại, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phân tích, thời điểm cuối năm là thời điểm cả cung và cầu ngoại tệ đều tăng mạnh. Cung từ các kênh xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư. Cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, thanh toán của các doanh nghiệp. Cung ngoại tệ có khả năng tăng do điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước có tác động tích cực đến xuất khẩu. Với định hướng tỷ giá mục tiêu 2% và biên độ tỷ giá được nới rộng như hiện tại, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả.

“Thực tế, Vietcombank vẫn mua ròng từ đầu năm đến nay, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Do vậy, áp lực tỷ giá trong vòng 4 tháng từ nay tới cuối năm cũng sẽ như diễn biến các năm và có thể không đáng lo ngại sau việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước”, ông Phạm Thanh Hà nhận định.

Trước diễn biến như hiện nay, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo sát thị trường, đặc biệt những thị trường có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam. Cùng với đó là tiếp tục chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt. Câu chuyện liên quan đến biên độ giao dịch cũng là một cách thức để xử lý vấn đề

Vị chuyên gia này cũng nhận định, trong một vài ngày gần đây, các nước trong khu vực cũng đã và đang điều chỉnh tỷ giá chứ không riêng gì Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá cũng tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực.

“Như vậy chúng ta có thể cân bằng hơn thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu về dài, chúng ta cần phải tái cấu trúc để bớt lệ thuộc thương mại quá nhiều với Trung Quốc” Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định. Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp./.

Đỗ Huyền

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục