APEC 2017: Thúc đẩy hiệu quả hơn mục tiêu tăng trưởng bền vững

18:17' - 24/02/2017
BNEWS Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đạt giá trị kinh tế lớn, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và hạn chế ô nhiễm môi trường chính là sự tăng trưởng bền vững cho Việt Nam.
Tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển bền vững cho Việt Nam. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Bên lề các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan, diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 18/2-3/3/2017, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với một số đại biểu tham dự cuộc họp về vấn đề thúc đẩy hiệu quả hơn mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững để đạt giá trị lớn hơn về kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và hạn chế ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp thiết.

Tại hầu hết các nền kinh tế mà nông nghiệp còn đóng vai trò chi phối, việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp được coi là nền tảng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển.

Trên 40% lao động trên thế giới đang tham gia vào hoạt động nông nghiệp, ở Việt Nam có khoảng 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực này.

Nông nghiệp, nông thôn giữ vị trí quan trọng bởi phần đông dân số hiện nay vẫn sống ở nông thôn, thu nhập của nông dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Việc giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao, nâng cao đời sống của người dân, xóa đói giảm nghèo là rất quan trọng.

Là đại biểu tham dự Hội thảo xúc tiến thương mại các sản phẩm đóng góp vào tăng trưởng bền vững và bao trùm thông qua phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo do Ủy ban Thương mại và Đầu tư tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho biết, trong khuôn khổ cuộc họp lần này, các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã đề cập đến chiến lược tự do hóa thương mại.

Nhiều tham luận khác nhau liên quan đến tự do hóa thương mại ngành nông nghiệp cho thấy những lợi ích cũng như thách thức của việc phát triển ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa.

Để phát huy những lợi thế và giảm thiểu những nguy cơ của toàn cầu hóa đối với ngành nông nghiệp, PGS. TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức về toàn cầu hóa.

Các nền kinh tế thành viên cần tìm giải pháp tối thiểu hóa chi phí xuất khẩu trong ngành nông nghiệp. Tất cả những vấn đề liên quan đến nhà sản xuất và người tiêu dùng cần kết nối với nhau để giảm chi phí trung gian.

Tuy nhiên, việc toàn cầu hóa đối với ngành nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến người nghèo và những nông dân sản xuất nhỏ lẻ không đủ khả năng hội nhập.

Nếu nông dân không cạnh tranh được khi hội nhập toàn cầu, sẽ không có việc làm và trở thành diện nghèo. Nông dân khi không chống chịu nổi quá trình toàn cầu hóa của ngành nông nghiệp sẽ phải chuyển qua ngành nghề khác. Vì thế cần có sự chuẩn bị các ngành nghề khác, tạo việc làm cho nông dân.

Vai trò của chính phủ là rất quan trọng trong việc hỗ trợ ngành nông nghiệp nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu như xây dựng cơ sở hạ tầng giúp chi phí đầu tư sản xuất và chi phí đầu tư sau thu hoạch thấp.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với toàn cầu, đối với ngành nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã có chương trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

"Trong nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta cần xác định rõ ràng và cụ thể những ngành, lĩnh vực đáp ứng khả năng cạnh tranh để tập trung đầu tư hỗ trợ", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh.

Xuất khẩu gạo là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
Nông nghiệp gắn bó mật thiết với tăng trưởng bền vững

Đánh giá vai trò của nông nghiệp trong tăng trưởng bền vững và bao trùm, ông Bayu Krinamurthi đến từ Indonesia cho rằng, nông nghiệp có sự gắn bó mật thiết với tăng trưởng bao trùm.

Khi tăng cường tăng trưởng nông nghiệp sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng bao trùm, bền vững. Tuy nhiên, đối với nông nghiệp khi đề cập đến phát triển bền vững, có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp nghĩa là sẽ có thêm nhiều thách thức với môi trường.

Vì vậy vấn đề hiện đại hóa, áp dụng chính sách, kỹ thuật trong sản xuất sẽ góp phần đẩy mạnh nông nghiệp, không làm nguy hại đến môi trường.

Chia sẻ về xúc tiến thương mại sản phẩm sẽ đóng góp vào tăng trưởng bao trùm và bền vững thông qua phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, ông Bayu Krinamurthi nhấn mạnh, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo là những vấn đề mà nền kinh tế chủ nhà Indonesia nêu ra trong chương trình nghị sự APEC 2013.

Phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, bao gồm xúc tiến thương mại hướng tới phát triển là vấn đề cần được chú trọng . Hội nghị APEC từ năm 1989 đã đưa ra cam kết về việc phát triển năng động trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách rút ngắn khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Cũng theo ông Bayu Krinamurthi, năm 2013, APEC đã cùng Ủy ban Thương Mại và Đầu tư thống nhất khoảng 157 sản phẩm , đóng góp quan trọng vào phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, đồng thời cũng đóng góp vào tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Các cơ quan chính sách của APEC đã nghiên cứu các sản phẩm này và đi đến kết luận rằng việc giao dịch các sản phẩm sẽ góp phần thúc đẩy phúc lợi, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế thành viên cần chú trọng tạo điều kiện cho những mặt hàng này bằng cách dỡ bỏ hàng rào thuế và phi thuế quan , chú trọng tạo thuận lợi thương mại.

Ông Bayu Krinamurthi cho biết, các nền kinh tế thành viên APEC cũng nhận thức được rằng các sản phẩm rất quan trọng cho sự phát triển và do đó các thành viên cần tìm giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại, chú trọng môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng, dịch vụ hậu cần trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu.

Các cuộc họp lần này kỳ vọng sẽ kiến nghị những giải pháp và kiến nghị về tăng cường hợp tác trong APEC , dưới hình thức hợp tác, nâng cao năng lực, hay hỗ trợ kỹ thuật.

Để bắt kịp với tăng trưởng bền vững và bao trùm, ông Bayu Krinamurthi cho rằng, các nền kinh tế thành viên APEC cần cùng nhau hợp tác trong nhiều lĩnh vực , đề xuất các sản phẩm thế mạnh.

Ví dụ như của Việt Nam là cà phê, các sản phẩm nhiệt đới; Indonesia là dầu cọ, các sản phẩm từ cá, cao su, các sản phẩm từ gỗ, giấy, mây.

" Tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để xem xét kỹ lưỡng hơn về các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại các sản phẩm này nhưng sẽ không lâu, đặc biệt là trong thế giới toàn cầu hiện nay với thương mại số, dịch vụ... ”, ông Bayu Krinamurthi nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục