APEC 2017: Thúc đẩy thực thi lộ trình APEC về xe điện

18:49' - 19/08/2017
BNEWS Việc sử dụng rộng rãi các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và xây dựng nền kinh tế các-bon thấp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đối thoại về công nghiệp ô tô với chủ đề thực thi lộ trình APEC về xe điện ngày 19/8/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Việc sử dụng rộng rãi các phương tiện chạy bằng điện sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và xây dựng nền kinh tế các-bon thấp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là nội dung được thảo luận trọng tâm tại Đối thoại về công nghiệp ô tô với chủ đề thực thi lộ trình APEC về xe điện, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 19/8 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Vấn đề này đã được các nền kinh tế APEC đưa ra họp bàn, thảo luận liên tiếp trong vài năm gần đây nhằm hạn chế khí thải, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến phức tạp. Dòng xe điện được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một phân đoạn thị trường đang nổi lên của ngành công nghiệp ô tô.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), việc sử dụng xe điện là xu hướng chung của thế giới trong việc hạn chế sử dụng nhiên liệu xăng và hóa thạch. Do vậy, Việt Nam cũng đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị về các chính sách cũng như tiêu chuẩn của xe điện để triển khai trong thời gian tới.

Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1168 ban hàng ngày 16/7/2014 cũng có ưu tiêu phát triển dòng xe thân thiện với môi trường.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho rằng, quá trình áp dụng xe điện ở Việt Nam phải cần thực hiện các khảo sát lâu dài, bởi xe sử dụng nhiên liệu xăng đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay. Thêm vào đó, các cơ sở hạ tầng, loại xe phù hợp với Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu để có thể áp dụng vào thực tế.

Đối thoại về công nghiệp ô tô với chủ đề thực thi lộ trình APEC về xe điện. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN 

Hiện ở Việt Nam, dòng xe điện mới bắt đầu được đưa vào sử dụng nhưng trong phạm vi hẹp, chủ yếu trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí. Việc đăng kiểm, đăng ký sử dụng đối với loại hình xe này cũng mới thực hiện thí điểm.
Dưới góc độ của một chuyên gia, ông Vũ Tấn Công, Công ty TNHH SOPEC cũng cho rằng, mặc dù hạn chế của dòng xe điện hiện nay là đi không được xa, giá thành cao, phải dựa vào ắc quy… song trong tương lai gần, thế giới chắc chắn sẽ chuyển sang sử dụng rộng rãi loại phương tiện này.

Ngoài ra, để khắc phục một số nhược điểm trên, dòng xe hybird (vừa sử dụng xăng, vừa sử dụng điện) đang là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng, có thể sử dụng xăng khi ra ngoài thành phố và chạy điện khi di chuyển gần.
“Nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính để thúc đẩy xe điện phát triển. Việt Nam nên có chính sách khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe điện. Hiện tại có một số doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam, tuy nhiên họ vẫn đang chờ chính sách từ Chính phủ và các ưu đãi kèm theo”, ông Công nói.
Theo số liệu của các hãng xe điện toàn cầu năm 2016 được công bố trên website của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đăng ký mới của xe điện đã đạt kỷ lục mới vào năm 2016, với hơn 750.000 chiếc trên toàn thế giới.

Trước đó, vào năm 2015, APEC đã thông qua một lộ trình cho xe điện, bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Các nền kinh tế như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi về các tiêu chuẩn và kỹ thuật để tìm ra nền tảng chung của lĩnh vực mới này./.

>>>Triển vọng của xe điện trong bối cảnh tăng trưởng xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục