ASEAN chung tay đẩy lùi mối đe dọa khủng bố IS

06:30' - 03/11/2017
BNEWS Mặc dù những lo lắng về IS ở Đông Nam Á đã tồn tại từ nhiều năm trước, chỉ đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Marawi, Philippines, hồi chuông cảnh tỉnh mới được gióng lên đối với khu vực này.
ASEAN chung tay đẩy lùi mối đe dọa khủng bố IS. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tạp chí Diplomat có bài phân tích về thách thức từ chủ nghĩa Hồi giáo đối với châu Á sau khi đảo Marawi, Philippines được giải phóng của tác giả Prashanth Parameswaran, biên tập viên và phóng viên cao cấp về chính trị, an ninh ở Đông Nam Á và châu Á của tạp chí này.

Theo nội dung bài viết, tuần trước, quân đội Philippines xác nhận đã tiêu diệt 2 chỉ huy cao cấp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Marawi, phía Nam của nước này, sau khi thành phố bị bao vây bởi các chiến binh IS từ tháng 5/2017.

Mặc dù cái chết của 2 thủ lĩnh IS là một cú sốc nghiêm trọng đối với nhóm này và là thành công to lớn trong cuộc chiến đang diễn ra tại Marawi, IS vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn và đặt ra một thách thức lớn đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc khủng hoảng Marawi đã làm tăng thêm lo ngại về việc IS sẽ tìm kiếm và thiết lập lãnh thổ của mình ở một vị trí tại Đông Nam Á, và bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng về khả năng quân sự của Philippines trong việc chống lại IS.

Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho biết họ đã gần đến vạch đích để kết thúc cuộc chiến tại Marawi cho dù đã bị hoãn lại nhiều lần. Tuy nhiên, việc xác nhận cái chết của 2 thủ lĩnh IS chắc chắn có ý nghĩa lớn.

Isnilon Hapilon, một lãnh đạo của nhóm chiến binh Abu Sayyaf  ở miền Nam Philippines, được biết đến là “Tiểu vương” của IS ở Đông Nam Á và Omarkhayam Maute là thủ lĩnh của nhóm Maute ở miền Nam Philippines đã cam kết trung thành với IS và kết hợp các lực lượng để tăng cường cuộc bao vây Marawi. 

Tuy nhiên, bất kỳ thái độ hân hoan nào vào thời điểm này - bao gồm tuyên bố quá sớm của Tổng thống Rodrigo Duterte rằng "Marawi đã được giải phóng" đều không đáng tin.

Mặc dù những kẻ được coi là thủ lĩnh của lực lượng này có thể đã chết, song những kẻ khác vẫn sống và có thể thay thế vị trí của chúng trong hệ thống của IS. Trong số các ứng cử viên đáng chú ý là Mahmud Ahmad, giáo sư Đại học Malaysia.

Chính quyền của ông Duterte có thể mong đợi cuộc chiến giành lại Marawi sẽ đi theo chiều hướng tốt trong những ngày tới, nhưng những rủi ro ở miền Nam Philippines vẫn còn đó.

Một trong những mối quan ngại hàng đầu trước mắt của các quan chức quốc phòng ở cả Philippines lẫn khu vực nói chung là mối đe dọa của sự cực đoan hóa trong số hàng trăm nghìn công dân phải rời bỏ nơi ở, vấn đề này chỉ có thể khắc phục một cách đúng đắn bằng nỗ lực tái thiết và tái hòa nhập mạnh mẽ.

Hơn nữa, trong bối cảnh lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa và sự xuất hiện của các nhóm cực đoan, cần tập trung nhiều hơn vào cơ sở quốc phòng của Philippines bao gồm những vấn đề đã được biết đến như tăng cường khả năng tình báo - vấn đề đã được đặt ra trong cuộc khủng hoảng Marawi và cải thiện việc huấn luyện chiến tranh trong thành phố. Đây là công tác tốn kém đối với quân đội nước này và giờ đây họ có lẽ nên tập trung vào cách phát hiện và xử lý các mối đe dọa trong tương lai trước khi xảy ra khủng hoảng.

Nhằm kiểm soát mối đe dọa rộng hơn của IS ở Đông Nam Á, chắc chắn sẽ đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ hơn trong và ngoài khu vực. Điều này đặc biệt đúng khi IS đang tìm cách tái hợp và có khả năng tìm được địa điểm khác trong các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau những thất bại ở Trung Đông.

Ngoài ra, cần xem xét để để tăng cường khả năng tình báo, giám sát và khả năng trinh sát của Philippines hoặc hợp tác 3 bên rộng hơn giữa Philippines, Malaysia và Indonesia.

Đây là những vấn đề vẫn còn hạn chế và thách thức rõ ràng cần được khắc phục nhằm chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Ngay cả khi cuộc chiến giành lại Marawi đã kết thúc thì cuộc chiến lớn hơn chống lại IS và các chi nhánh của IS vẫn còn tiếp tục và phải chiến đấu một cách có hiệu quả và dứt khoát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục