AT&T - minh chứng cho triết lý “vận động để phát triển"

12:56' - 16/11/2016
BNEWS AT&T dường như "lớn phổng" sau mỗi lần thực hiện sáp nhập và chuyển đổi.
AT&T là Tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Mỹ. Ảnh: reuters

Trong một xã hội phát triển như vũ bão ngày nay, khi mà cơ hội không dành riêng cho bất kỳ ai thì “cộng sinh” dường như là cách tối ưu giúp một doanh nghiệp củng cố vị thế trên thị trường. Những bước đi của AT&T - tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Mỹ - là một ví dụ điển hình.

AT&T được biết đến với xuất phát điểm là Bell Telephone Company, được thành lập bởi chính nhà khoa học Alexander Graham Bell - "ông tổ" của chiếc điện thoại, người đã tạo ra cuộc cách mạng cho ngành bưu chính viễn thông.

Cái tên AT&T chính là từ viết tắt của American Telephone and Telegraph Company - một nhánh của của Bell Telephone Company - được thành lập năm 1885 để rồi sau đó mua lại chính công ty mẹ vào ngày cuối cùng của năm 1899 vì lý do pháp lý và trở thành "đế chế" AT&T được biết đến như ngày nay.

Từ những ngày đầu thành lập xuyên suốt gần hết thế kỷ XX, AT&T đã thiết lập một mạng lưới các công ty con rải khắp lãnh thổ nước Mỹ và Canada, nằm dưới sự quản lý của một bộ máy vận hành theo "chủ nghĩa độc quyền" là Bell System. Trong suốt thời gian đó, AT&T mang biệt danh mới là Ma Bell.

Bước ngoặt đưa AT&T vào thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là vào năm 1982. Khi đó, “thể thống nhất” AT&T buộc phải “xé nhỏ” theo quy định hiện hành của Mỹ.

AT&T trên danh nghĩa đã phải “xóa” đi các chi nhánh trong khu vực và chuyển các công ty con này thành công ty độc lập.

Sự ra đời của các “Baby Bell” này đã chính thức đẩy công ty mẹ vào một thương trường mới và cũng là chiến trường với sự rình rập từ các đối thủ mới như MCI và Sprint. Và "công cuộc" M&A toàn diện chính thức bắt đầu.

Có thể nói, AT&T dường như "lớn phổng" sau mỗi lần thực hiện sáp nhập và chuyển đổi. Thương vụ đầu tiên phải kể đến việc công ty con Southwestern Bell thực hiện thâu tóm mảng di động của đối thủ Metromedia (Mỹ) năm 1987.

AT&T ngày càng phát triển sau mỗi lần sát nhập và chuyển đổi. Ảnh: iDownloadBlog

“Baby Bell” này xuyên suốt thời gian sau đó liên tục triển khai hoạt động thu mua, không “kiềng” cả các công ty “anh em” rồi đến lượt chính công ty mẹ AT&T vào năm 2005 trong một hợp đồng trị giá 16 tỷ USD.

Đây là lý do cho việc AT&T hiện nay về thực chất là sự chuyển đổi của AT&T phiên bản gốc năm 1885.

Tiếng tăm của AT&T vốn đã lớn nay lại "nóng "thêm sau thương vụ M&A mà một khi được hoàn tất sẽ trở thành thương vụ thâu tóm doanh nghiệp lớn nhất năm 2016.

Cuối tháng 10 vừa qua, AT&T thông báo thương vụ trị giá 108,7 tỷ USD mua lại Time Warner hứa hẹn sẽ giúp hãng viễn thông khổng lồ này tiến sâu hơn vào lĩnh vực truyền thông - giải trí vốn đồ sộ của Mỹ.

Thương vụ này diễn ra trong một bối cảnh các công ty truyền thông đang phải đối mặt với những thách thức khi các công nghệ di động đang dần giành ưu thế trước hình thức truyền hình cáp truyền thống.

Sau khi mua Time Warner, AT&T sẽ sở hữu các kênh truyền hình hàng đầu thế giới như HBO, CNN cũng như hãng phim nổi tiếng Warner Bros. Nhà mạng này cũng giành quyền sở hữu thương hiệu DC Comics và Batman của Warner Bros.

Với việc thâu tóm Warner Bros, AT&T có thể tạo dựng nên một đế chế truyền thông Internet siêu khổng lồ, trở thành đối thủ "đáng gờm" của Comcast, đơn vị sở hữu NBCUniversal, cũng như đối trọng với các tên tuổi đình đám trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình số đang phát triển như Netflix hay Amazon.

Tuyên bố từ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AT&T Randall Stephenson cho thấy vụ mua bán này là sự "kết hợp hoàn hảo" của hai doanh nghiệp có những thế mạnh bổ trợ cho nhau và sẽ mang tới hướng tiếp cận mới mẻ cho ngành công nghiệp truyền thông và viễn thông, hướng tới người tiêu dùng, giới sáng tạo nội dung, các nhà phân phối và quảng cáo.

Một dấu mốc cũng được coi là để đời khác của AT&T là vụ thâu tóm DirecTV, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất nước Mỹ, với giá 48,5 tỷ USD hồi năm ngoái.

Qua 131 năm thành lập và lớn mạnh và hàng chục thương vụ thâu tóm chuyển đổi, hiện AT&T là nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động lớn thứ hai và dịch vụ truyền hình cáp lớn thứ ba của Mỹ. Số liệu chính thức gần nhất cho thấy trong năm 2015, doanh thu của AT&T đạt 147 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục