Australia chuẩn bị gia nhập câu lạc bộ các nước có cơ quan nghiên cứu vũ trụ

13:18' - 13/07/2017
BNEWS Bộ trưởng Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia Arthur Sinodinos cho rằng cần thiết xem xét lại năng lực vũ trụ của Australia trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Australia chuẩn bị gia nhập câu lạc bộ các nước có cơ quan nghiên cứu vũ trụ khi Chính phủ Australia ngày 13/7 thông báo xem xét năng lực vũ trụ của nước này và khả năng sớm thành lập một cơ quan vũ trụ.

Trong thông báo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia Arthur Sinodinos  cho rằng việc xem xét lại năng lực vũ trụ của Australia là cần thiết trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực vũ trụ quốc tế, cũng như sự tiến bộ về công nghệ đang tạo môi trường khuyến khích đầu tư thương mại vào các hoạt động liên quan tới vũ trụ.

Ông bày tỏ hy vọng thông qua việc phát triển tri thức kỹ thuật cho lĩnh vực vũ trụ, Australia sẽ phát triển được các kỹ năng giúp thúc đẩy các ngành chế tạo khác.

Australia cũng thành lập một ủy ban nghiên cứu Kế hoạch xem xét năng lực vũ trụ nhằm phát triển một chiến lược dài hạn thúc đẩy ngành này và dự kiến đưa ra một báo cáo tổng quan vào tháng 3/2018.

Các nhà khoa học và giới công nghiệp Australia ủng hộ kế hoạch của chính phủ đối với ngành công nghiệp vũ trụ khi họ cho rằng việc này là cần thiết và có thể tạo ra những lợi ích khổng lồ về kinh tế và xã hội.

Theo một báo cáo của Chính phủ Australia, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp vũ trụ trên toàn cầu đạt tới trên 323 tỷ USD và lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 10% kể từ cuối những năm 1990.

Ước tính, sự ra đời của một cơ quan vũ trụ ban đầu có thể giúp Australia tạo thêm nhiều việc làm và tiết kiệm khoảng 3 tỷ AUD (2,3 tỷ USD) chi phí cho việc thuê nước ngoài phóng các vệ tinh.

Cơ quan này cũng có thể giúp Australia tận dụng được nhiều lợi thế của công nghệ vệ tinh, đặc biệt cho nông dân.

Phần lớn các nước phát triển trên thế giới đều có cơ quan nghiên cứu vũ trụ riêng, ngay cả nước láng giềng của Australia là New Zealand năm ngoái cũng đã cho ra đời một cơ quan như vậy.

Australia là một trong hai nước duy nhất còn lại thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chưa có cơ quan nghiên cứu vũ trụ./.

>>> Công bố bản đồ lịch sử vũ trụ lớn nhất từ trước tới nay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục