Australia miễn cưỡng tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”?

05:30' - 27/05/2017
BNEWS “Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết cho rằng việc Australia miễn cưỡng tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc cũng giống như nước này chậm chạp tham gia AIIB.
Sáng kiến BRI có thể cải thiện khả năng kết nối giữa các quốc gia. Ảnh: Reuters

 “Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết của James Laurenceson, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng việc Australia miễn cưỡng tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc cũng giống như nước này chậm chạp tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB)

Đã đến lúc, các chính quyền tiểu bang Australia hối thúc chính phủ liên bang nhanh chóng tham gia, chứ không phải chờ quyết định của các nước khác. 

Trước đây, dưới áp lực của Mỹ, ban đầu Thủ tướng Tony Abbott từ chối lời mời tham gia AIIB của Trung Quốc. Lý giải về việc từ chối này, ông Abbott đã lặp lại tuyên bố của Mỹ rằng AIIB không phải là một tổ chức đa phương thực thụ và thiếu các tiêu chuẩn cần thiết về minh bạch và quản lý. 

Thế nhưng khi Anh đăng ký tham gia AIIB vào tháng 3/2015, cùng với các quốc gia châu Âu khác như Pháp, Đức và Italy, quan điểm của Australia ngày càng trở nên khó biện minh hơn. Một tháng sau đó, Chính phủ Australia thông báo nước này cũng tham gia AIIB. 

Trong hai thập kỷ qua, mức thuế suất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm đáng kể, thúc đẩy dòng chảy thương mại khổng lồ và đem lại lợi ích cho các nước. Nhưng các chi phí thương mại khác, chẳng hạn như chi phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác cao hơn nhiều so với mức thuế và không có xu hướng giảm. 

Trước tình trạng này, theo tác giả bài viết, sáng kiến BRI có thể giải quyết vấn đề này bằng cách cải thiện khả năng kết nối giữa các quốc gia.

Vào tháng 2/2016, trong một cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết rằng Canberra và Bắc Kinh đã thành lập một nhóm làm việc chung để kết nối sáng kiến BRI của Trung Quốc với Sáng kiến Phát triển phương Bắc của Australia. 

Ngoài ra, hai nước nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán kết nối dự án này kể từ tháng 10/2016. Nhưng đến tháng 3/2017, ngay trước thềm chuyến thăm Australia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chính quyền Canberra cho biết không có bất cứ cuộc đàm phán nào vào thời điểm đó.  

Mặc dù trong một cuộc họp báo trước đó tại thủ đô Canberra, Ngoại trưởng Julie Bishop giải thích rằng Australia và Trung Quốc đồng ý cần phải có cơ sở hạ tầng lớn hơn trong khu vực với hàm ý về BRI và kế hoạch phát triển phương Bắc. 

Nhưng theo bà Bishop, việc giải quyết nhu cầu này đòi hỏi sự cam kết lớn hơn về các nguyên tắc minh bạch, sự tham gia của khu vực tư nhân và kết quả phát triển mạnh mẽ. 

Tháng 5/2017, Nghị sỹ Công đảng đối lập Penny Wong đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ liên minh Tự do - Quốc gia của Thủ tướng Malcolm Turnbull cần phải có cách tiếp cận chủ động đối với sáng kiến BRI. Đây cũng là cách tiếp cận mà Chính phủ New Zealand đã thực hiện trước đó vào tháng Ba. 

Ngay sau khi rời Sydney đặt chân xuống Wellington, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đứng bên cạnh Thủ tướng New Zealand Bill English chứng kiến lễ ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác BRI. Bản ghi nhớ này bao gồm một phần quan trọng về “nguyên tắc hợp tác”, trong đó đặc biệt đề cập đến “các nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp, định hướng thị trường và quan hệ quốc tế”. 

Theo tác giả bài viết, lẽ ra chính phủ Australia nên “đàm phán một biên bản ghi nhớ tương tự với một loạt nguyên tắc có giá trị cao nhất” với Trung Quốc. Nhưng Australia đã bỏ lỡ cơ hội. 

Cuối cùng, sự tham gia của Australia trong BRI có thể được thúc đẩy bởi áp lực từ các chính quyền tiểu bang. Trong khi Sáng kiến Phát triển phương Bắc của Australia là một sáng kiến liên bang, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến dự án này cần phải có sự chấp thuận của các chính quyền tiểu bang Tây Australia, Lãnh thổ phương Bắc và Queensland. 

Năm 2015, Chính quyền Lãnh thổ phương Bắc đã quyết định cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin với thời hạn 99 năm nhằm đảm bảo cho tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Năm 2016, Phó Thủ hiến bang Queensland Jackie Trad đã sang Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư từ sáng kiến BRI. 

Các chính quyền tiểu bang ở Australia đang tích cực vận động chính phủ liên bang cam kết lớn hơn với Trung Quốc để thu hút hàng tỷ đôla thương mại và đầu tư.

ồi năm 2015, lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten chống lại việc thông qua Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Australia, ông ta đã lập tức bị cô lập vì các nhà lãnh đạo Công đảng ở các bang New South Wales, Victoria và Nam Australia ủng hộ mạnh mẽ hiệp định này. 

Mới đây, tháng 4/2017, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney Kerry Brown cho rằng việc hiểu sai về sáng kiến BRI là lẽ tự nhiên.

Sáng kiến này cần phải được hiểu chính xác hơn, đó là một cơ hội cho các quốc gia tham gia dự án này cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối nhằm đem lại hiệu quả về kinh tế, và ở một chừng mực nào đó, nó có thể giúp ổn định cả về an ninh và chính trị. Đến lúc, Chính phủ liên bang Australia nên xem xét nhận lời mời tham gia sáng kiến BRI của Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục