Ba lý do khiến Nhật Bản đẩy nhanh đàm phán thương mại với EU

06:30' - 25/07/2017
BNEWS Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan nhanh ra toàn cầu, đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản dường như đang đi đúng hướng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 6/7. Ảnh: Kyodo/TTXVN

“Diễn đàn Đông Á” mới đây đăng bài viết của Giáo sư Aurelia George Mulgan thuộc Đại học New South Wales về sự kiện Nhật Bản và EU đã đạt được một thỏa thuận khung trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức).

Theo Giáo sư Mulgan, tình hình chính trị nội bộ của Nhật Bản có dấu hiệu căng thẳng, nhất là Nhóm vận động hành lang nông nghiệp, do Liên minh hợp tác xã quốc gia (JA Group) và các chính trị gia thân cận của họ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đứng đầu, tìm cách duy trì một số rào cản đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu để bảo vệ ngành nông nghiệp nước này.

Trước tình thế này, Chính phủ Nhật Bản quyết tâm thúc đẩy và mở rộng các mục tiêu thương mại bằng cách giảm thuế quan và các rào cản nhập khẩu khác tại các thị trường nước ngoài. Ngoài ra, Tokyo muốn nhanh chóng thúc đẩy đàm phán thương mại với EU vì một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, sự thể hiện nghèo nàn của LDP trong bầu cử hội đồng thành phố Tokyo và quyền lực của Thủ tướng Abe có dấu hiệu suy yếu do các vụ bê bối gần đây đang gây sức ép lên chính quyền của ông phải kết thúc một thỏa thuận thương mại thành công với EU nhằm giúp khôi phục quyền lực.

Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản và các văn phòng LDP cầm quyền đều nhất trí về việc cần phải nhanh chóng hoàn tất một EPA với EU để thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư của Nhật Bản vào EU trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng.

Thứ ba, việc ký EPA sẽ đem đến cho Nhật Bản cơ hội tạo ra một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khổng lồ và ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ. Sau sự sụp đổ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Nhật Bản nhận ra rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là một mối đe dọa tiềm tàng đối với thương mại tự do.

Về điểm này, Nhật Bản và EU cũng đang phối hợp với nhau để tìm cách đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ. Một đòn đánh khác mang tính biểu tượng đối với tự do thương mại là việc Chính quyền Trump sẽ tăng thuế đối với các mặt hàng sắt và thép xuất khẩu sang Mỹ.

Ba lý do khiến Nhật Bản đẩy nhanh đàm phán thương mại với EU. Ảnh: Reuters

Nhật Bản lo ngại rằng Chính quyền Trump có thể áp đặt các hạn chế theo Điều khoản 232 trong Đạo luật thương mại nếu hai nước không có FTA song phương. Điều khoản 232 cho phép Chính quyền Mỹ điều chỉnh các mặt hàng nhập khẩu được cho là có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.

Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã từ chối lựa chọn FTA song phương, bất chấp sức ép ngày càng mạnh mẽ từ phía Mỹ để giải quyết sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Nhật Bản đã đề nghị tổ chức “Đối thoại kinh tế Nhật-Mỹ” với mục đích thay thế “đàm phán” bằng “đối thoại” trong các lĩnh vực như chính sách kinh tế, hợp tác cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại.

Nếu xuất khẩu của Nhật Bản là mục tiêu hạn chế nhập khẩu của Mỹ, thì nó có thể báo trước sự hồi sinh của cái gọi là “Cơn ác mộng của Đạo luật thương mại” mà Nhật Bản đã nếm trải trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.

Vào thời điểm đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản là rất lớn. Các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản như chất bán dẫn, siêu máy tính, vệ tinh và gỗ bị đe dọa trừng phạt theo Đạo luật thương mại của Mỹ.

Đạo luật này cũng được sử dụng như một thứ vũ khí của Washington nhằm gây sức ép đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, khi Mỹ đe dọa áp thuế 100% đối với các dòng xe cao cấp nhập khẩu.

Mới đây, việc Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố sẽ gây sức ép buộc các quan chức Nhật Bản phải trả lời khiếu nại của Mỹ trong thâm hụt thương mại song phương là một hồi chuông báo động đối với Tokyo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục