Bạc Liêu: Lục bình dày đặc sông, rạch, ảnh hưởng đến đời sống người dân

10:27' - 22/04/2017
BNEWS Lục bình từ các con sông lớn trôi vào, dòng sông quá cạn, dòng chảy yếu nên lục bình chỉ vào đây nhưng không trôi ra theo dòng nước được.
 Người dân khốn khổ vì lục bình trôi dày đặc tại nhiều tuyến kênh rạch. Ảnh: Như Bình – TTXVN.

Thời gian qua, trên nhiều tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) lục bình xuất hiện dày đặc, gây ảnh hưởng đến các phương tiện đường thủy lưu thông; nhất là thời điểm hiện nay người dân đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, thương lái đến thu mua lúa, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Theo người dân, lục bình bắt đầu xuất hiện nhiều trên nhiều tuyến sông, kênh, rạch từ trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chính khiến lục bình sinh sôi nảy nở nhiều như hiện nay là do lục bình từ các con sông lớn trôi vào, dòng sông quá cạn, dòng chảy yếu nên lục bình chỉ vào đây nhưng không trôi ra theo dòng nước được.

Thêm vào đó, nhiều hộ dân sống hai bên kênh rạch xây cầu, cắm trụ cản trở sự di chuyển của lục bình. Cá biệt, có nhiều hộ dân tự khoanh vùng rồi cắm nhánh cây… làm bẫy để đánh cá, vô tình những cái bẫy này tạo điều kiện thuận lợi cho lục bình phát triển xanh tốt.
Tại ấp Mỹ Hòa, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, con kênh nối liền hai huyện Phước Long và huyện Vĩnh Lợi bị lục bình phủ kín toàn bộ mặt kênh, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng thuyền, xuồng… lưu thông trên tuyến kênh này. Anh Trần Văn Xóm (32 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) người dân sống ở đây lâu năm cho biết, hiện gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác đã thu hoạch lúa xong nhưng do lục bình quá dày, thương lái không theo đường thủy vào thu mua được nên lúa đành phơi trên ruộng từ nhiều ngày qua.

Theo thương lái thu mua lúa Trần Tuấn Khanh (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Tường I, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), bình thường trên nhiều tuyến sông, rạch, các phương tiện đi lại thông suốt nhưng mấy tháng nay, do lục bình dày đặc nên khó đưa phương tiện vào thu mua lúa của người dân. Nhiều lúc lúa hạ giá cộng với lục bình gây cản trở giao thông nên thương lái bỏ cọc, không thu mua lúa nữa.

 Người dân khốn khổ vì lục bình trôi dày đặc tại nhiều tuyến kênh rạch. Ảnh: Như Bình – TTXVN.

Cùng với việc gây cản trở trong việc đi lại thì với lượng lớn lục bình phủ kín trên mặt sông, kênh, rạch như vậy sẽ làm giảm ánh sáng và nồng độ ôxy trong nước, dẫn đến giảm sản lượng cá và các loại thủy sinh.

Ngoài ra, lục bình còn cản trở dòng chảy, vì thế rác thải cũng tích tụ lại. Nhiều đoạn kênh rạch bị ô nhiễm, nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Các hộ dân sống ven sông, kênh, rạch không thể sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Văn Thế (66 tuổi, ngụ ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: "Hiện nay trên nhiều tuyến kênh, do lục bình dày khiến việc đi lại khó khăn cùng với rác và xác động vật chết không trôi đi được gây ô nhiễm nguồn nước, nhiều người không dám xuống bắt cá, hoặc dùng nước để giặt giũ, tắm rửa”.

Khi được hỏi về cách khắc phục vấn nạn lục bình dày đặc ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, ông Dương Tấn Kịch (56 tuổi, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long) nói: “Việc khắc phục thực ra không khó, chỉ cần mỗi hộ dân bỏ ra vài giờ để vớt sạch lục bình trên phần sông, rạch trước nhà mình, vừa làm thông thoáng cho sông, rạch vừa lấy xác lục bình ủ phân bón cho cây mang lại nhiều lợi ích nhưng chưa thấy ai đứng ra làm. Thời gian đầu tôi cũng vớt lục bình, vớt được một lúc thì lục bình lại trôi về, làm không xuể, bất lực nên tôi cũng bỏ luôn, không vớt nữa”.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long Huỳnh Minh Thiệt cho biết: Việc lục bình dày đặc gây ùn tắc trên tuyến sông, rạch trên địa bàn xã xuất hiện nhiều năm nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Hàng năm, chính quyền địa phương thường phối hợp với lực lượng chức năng ra quân vớt, phun xịt diệt lục bình để tạo sự thông thoáng, phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất của bà con. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ vận động người dân sống trên tuyến sông, rạch vớt lục bình lên bờ. Những nơi lục bình dày đặc thì tiến hành phun thuốc nhằm diệt lục bình triệt để./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục