Bài 2: Các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn

10:37' - 22/07/2017
BNEWS Các vắc xin Việt Nam sử dụng hiện nay đã được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin. Vì vậy, các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là an toàn.
Các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn. Ảnh minh hoạ: Dương Ngọc - TTXVN

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Vắc xin là chế phẩm sinh học và có những đặc điểm riêng khác biệt so với thuốc, vắc xin sử dụng cho người khỏe mạnh, đa phần là trẻ em. Vắc xin cũng dễ bị biến đổi chất lượng nếu không được bảo quản tốt.

Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vắc xin rất nghiêm ngặt, kể cả đối với vắc xin dịch vụ hay vắc xin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng. 

Đảm bảo an toàn tiêm chủng 

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Mọi loại vắc xin trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường Việt Nam đều phải được cấp giấy phép đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu . Các yêu cầu về cấp giấy phép đối với vắc xin rất chặt chẽ .

Vắc xin phải được kiểm nhiệm lâm sàng tại Việt Nam để khẳng định tính an toàn và tính sinh miễn dịch; đồng thời, phải được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng đạt yêu cầu đối với từng lô trước khi đưa vào sử dụng.

Các vắc xin Việt Nam sử dụng hiện nay đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận về chất lượng. Đặc biệt, hoạt động sản xuất vắc xin của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin. Vì vậy, các vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là an toàn.

Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh trong suốt quá trình vận chuyển, lưu trữ từ nhà sản xuất đến khi đưa ra sử dụng cho cộng đồng. Mỗi năm, tiêm chủng mở rộng sử dụng khoảng 35-40 triệu liều vắc xin. Trong khi đó, vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ chỉ sử dụng khoảng gần 3 triệu liều, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Chính vì vậy, tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. 

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) Dương Thị Hồng khuyến cáo: Các bậc cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.

Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ
tiêm, quấy khóc... Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.

Khi trẻ sốt cao, gia đình có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. 

Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Đặc biệt, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy nhiều loại vắc xin(do bị lỡ lịch tiêm những lần trước) thì có thể tiêm trong cùng 1 buổi tiêm chủng nhưng ở các vị trí khác nhau, không được tiêm cùng một đùi hoặc tay; không tiêm quá 1 liều của cùng 1 loại vắc xin trong cùng 1 thời gian.

Nếu khoảng thời gian giữa các liều bị chậm vượt quá khoảng thời gian theo lịch tiêm chủng thì trẻ vẫn tiêm mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu. Nếu liều đầu tiên bị muộn hơn so với lịch tiêm chủng, các gia đình vẫn phải duy trì đúng liều lượng và đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm theo lịch tiêm chủng…

Danh mục vắc xin tiêm chủng mở rộng 

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2017 có 12 loại vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cụ thể là:

1.Vắc xin BCG: phòng bệnh lao và cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi trẻ được sinh ra

2. Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh: phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh.

3. Vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắc xin Quinvaxem được tiêm 3 mũi gồm: Mũi 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ đủ 3 tháng tuổi, mũi 3 khi trẻ đủ 4 tháng tuổi.

4. Vắc xin phòng bại liệt (OPV): giúp phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống ( liều 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, liều 2 khi trẻ đủ 3 tháng tuổi và liều thứ 3 khi trẻ đủ 4 tháng tuổi).

5.Từ đầu năm 2016, trẻ 4 tháng tuổi được tiêm thêm một liều vắc xin bại liệt bất hoạt để phòng bệnh.

6. Vắc xin phòng bệnh sởi gồm có 2 mũi tiêm: Mũi thứ 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

7. Hiện nay đã có vắc xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc xin sởi đơn khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

8. Vắc xin tiêm DPT: phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà; được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng.

9. Vắc xin viêm não Nhật Bản: trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản (Mũi thứ 1 khi trẻ được 1 tuổi; mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 2 tuần và mũi thứ 3 cách mũi thứ hai 1 năm. 

10. Vắc xin phòng bệnh tả: Tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tuổi tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch.

11. Vắc xin thương hàn: Tiêm cho trẻ từ 3-10 tuổi, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ dịch bùng phát
12. Vắc xin uốn ván: Cần tiêm ít nhất 2 mũi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-45 tuổi) và tiêm cho trẻ ngay sau khi được sinh ra để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này./.

>>>Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh: Đảm bảo cung ứng đủ vắc-xin sau sự cố cháy kho dự trữ

>>>10 loại vắc xin phòng bệnh nguy hiểm do Việt Nam sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục