Bài học từ sự tụt dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc

10:33' - 06/08/2015
BNEWS Với những giấc mơ làm giàu nhanh chóng, hàng triệu nhà đầu tư Trung Quốc thiếu kinh nghiệm đã coi thị trường chứng khoán giống như một sòng bài.

Trung Quốc ngày 15/7 thông báo tăng trưởng kinh tế trong quý II/2015 của nước này đạt mức 7%, bằng mục tiêu mà Bắc Kinh đã đặt ra trước đó. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại, song chậm lại tới mức nào thì hiện vẫn chưa rõ ràng. 

Có điều đáng nói là số liệu kinh tế nói trên được thống kê vào thời điểm trước ngày 30/6, khi thị trường chứng khoán của nước này còn đang tăng mạnh. Trước sự quyến rũ bởi giấc mơ làm giàu nhanh chóng, hàng triệu nhà đầu tư Trung Quốc thiếu kinh nghiệm đã coi thị trường chứng khoán giống như một sòng bài. Với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông xã hội, tâm lý lạc quan lan nhanh, kéo theo đam mê làm. 

Chỉ số trên bảng điện tử của Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, với một số loại cổ phiếu có mệnh giá thấp đã tăng gấp ba lần hoặc mạnh hơn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lên tới mức cao đỉnh điểm vào ngày 12/6 (5.178 điểm)  rồi sụt dần, và tới đầu tháng Bảy đã "bốc hơi" tới 32% giá trị, khiến thị trường mất đi 3.200 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ được thấy rõ ràng hơn trong quý III năm nay.

Chứng khoán  Trung Quốc xuống dốc. Ảnh:Reuters

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trấn an các nhà đầu tư là các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc vẫn vững mạnh. Chính phủ sẽ áp dụng “những biện pháp chính xác và hữu hiệu hơn” để thúc đẩy tăng trưởng ổn định và đáng tin cậy. Sự trấn an đó là cần thiết vì những sự mất mát trên thị trường chứng khoán phản ánh sự thiếu hiệu quả các chính sách kinh tế của Chính phủ.

Ông Lưu Giám Hùng, một chuyên gia của Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói: “Sự mất mát của nhiều gia đình trung lưu trong vụ khủng hoảng này sẽ làm sút giảm niềm tin của họ về hoạt động điều hành kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, và điều đó sẽ ảnh hưởng tới những quyết định của họ về tiêu thụ và đầu tư”. Ông cho rằng “Chính phủ Trung Quốc cần phải xem xét lại vai trò của mình trên thị trường chứng khoán”. 

Vai trò điều hành

Thị trường đầu cơ giá lên do chính phủ vạch ra nhằm giúp giải quyết tình trạng bong bóng bất động sản của Trung Quốc, tạo đòn bẩy tăng trưởng cho các chính quyền địa phương, khuyến khích sự sáng tạo và tạo điều kiện cho việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng thay vào đó, nó đã bị phá hoại bởi các nhà đầu tư cá nhân tham lam quá mức. Khi Chính phủ vào cuộc, bắt đầu giảm nợ giao dịch ký quỹ, cơn hoảng loạn bắt đầu. Tất cả mọi người đổ xô đến những cánh cửa thoát hiểm đã bị chặn do nguyên tắc giao dịch hạn mức. Trong hơn ba tuần thị trường chứng khoán đã giảm hơn 30%. Ngay cả sau khi điều chỉnh, nhiều cổ phiếu có mệnh giá thấp vẫn ở mức cao hơn giá trị thực của nó.  

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu thị trường, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp để giải cứu các cổ phiếu bluechip, tạm dừng các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và xoá bỏ các quy tắc giao dịch nội bộ để tạo điều kiện cho các giám đốc công ty mua lại cổ phiếu của chính mình. Chính phủ đã áp đặt lệnh cấm bán chứng khoán trong vòng một năm đối với bất cứ ai sở hữu hơn 5% cổ phiếu của một công ty. Khi Chính phủ bắt đầu tập trung hỗ trợ các bluechip, ít nhất 1.439 công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán đã áp dụng biện pháp dừng giao dịch tạm thời để bảo vệ mình. Điều đó đã góp phần vào sự hoảng loạn này. Những biện pháp này của Bắc Kinh dù phần nào chặn được vụ "tuột dốc không phanh" trên thị trường chứng khoán nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an. 

Ngay cả các công ty Trung Quốc niêm yết tại các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này. Thông tin thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông quốc tế. Các nhà đầu tư Mỹ đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu của các công ty của Trung Quốc mặc dù những công ty này không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường chứng khoán.  

Các nhà đầu tư Mỹ bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Ảnh Reuters

Theo giáo sư Lưu Giám Hùng, các cơ quan truyền thông nhà nước từng ca ngợi sự lớn mạnh nhanh chóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm vừa qua cần phải đánh giá lại cách thức hành động của mình. Ông nói: “Những guồng máy tuyên truyền ở Trung Quốc cũng cần phải theo đuổi một lập trường chuyên nghiệp, hợp lý và khách quan hơn đối với thị trường chứng khoán. Nếu không, họ sẽ nắm giữ một vai trò lệch lạc và gây thiệt hại cho những người dân bình thường, những người tin tưởng vào ý kiến của họ về thị trường chứng khoán”. 

Các nhà phân tích nói rằng sự thiệt hại 3.200 tỷ USD trên thị trường chứng khoán đã tác động tới hàng triệu người tiêu dùng vốn có vai trò rất quan trọng đối với các chính sách. Ông Lý Hiểu Dương, giáo sư môn kinh tế tài chính của Đại học Thương mại Thành Công ở Bắc Kinh, nói thêm: “Tài sản của một số gia đình trung lưu đã bị giảm đi rất nhiều, và điều này có thể làm cho mức tiêu thụ sụt giảm”.

Đợt tuột dốc của thị trường chứng khoán cũng dẫn tới sự can thiệp mạnh tay của Chính phủ nhằm ngăn không cho sự sút giảm đó lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ông Tống Trung Chi, giáo sư bộ môn tài chính của Đại học Thành Công, nói: “Chính phủ đang tìm cách ngăn chặn một đợt tuột dốc mạnh của giá cổ phiếu. Giá cả trồi sụt lúc này, lúc khác là chuyện bình thường nhưng một đợt tuột dốc mạnh có thể làm cho các nhà đầu tư không trả được nợ và gây ảnh hưởng bất lợi tới khả năng thanh khoản của các ngân hàng”.         

Mặc dù vậy, những nỗ lực để chặn đứng đợt tuột dốc cũng tạo ra những thách thức mới cho các công ty Trung Quốc.         

Trước đây, các giới chức chính phủ vẫn cổ súy cho thị trường chứng khoán như là một nơi mà các công ty nhỏ, không dễ vay vốn từ các ngân hàng, có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, những hoạt động tài chính thường lệ, như phát hành cổ phiếu lần đầu, tái tài trợ và thu mua chứng khoán, đã bị tạm ngưng. Và sự can thiệp đó đã gieo rắc sự bối rối cho các nhà đầu tư vì họ không biết được vai trò của thị trường chứng khoán sẽ như thế nào trong tương lai.          

Việc mua bán cổ phiếu hiện vẫn còn bị tạm ngưng đối với khoảng 20% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chính phủ vẫn cấm các nhà đầu tư và các công ty lớn bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng tới.          

Cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán Trung Quốc là một sự phản ánh của quá trình tăng giá quá mức các cổ phiếu có mệnh giá thấp, nhưng chưa thể so sánh với những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ vào năm 1929 của thế kỷ trước. Nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển sang một giai đoạn “bình thường mới” với dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại khi nó chuyển dịch từ sản xuất sang tiêu thụ.           

Các nhà đầu tư Trung Quốc biết rằng ưu tiên của chính phủ là ổn định xã hội. Chính phủ sẽ can thiệp khi nào mục tiêu này bị đe dọa. Chính phủ hiểu rằng cần phải khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nếu không tâm lý bi quan có thể sẽ lan sang lĩnh vực ngân hàng. Một số người trong cuộc cho rằng một phần quan trọng của nguồn vốn được sử dụng trong giao dịch ký quỹ thực sự đến từ các sản phẩm quản lý tài sản của các ngân hàng. Nếu lĩnh vực ngân hàng bị ảnh hưởng, khi đó tâm lý tiêu cực có thể cản trở đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, dẫn đến ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế. Hiện đã có báo cáo cho rằng một số doanh nhân đã đầu tư vào thị trường chứng khoán bằng nguồn vốn hoạt động của công ty họ.

Bài học từ rủi ro thị trường

Bất kỳ thị trường chứng khoán nào cũng đều được xây dựng dựa trên niềm tin và giá trị kỳ vọng của dòng tiền trong tương lai. Mục tiêu của Chính phủ là phải giảm thiểu rủi ro hệ thống, chứ không phải là quản lý các chỉ số chứng khoán. Chính phủ đang ra sức bảo vệ các nhà đầu tư bán lẻ. Chức năng của thị trường vốn là để định giá khác nhau hoặc phí bảo hiểm rủi ro cho các doanh nghiệp có mức độ rủi ro của họ. Nhà đầu tư nên hiểu quy tắc của thị trường là lợi nhuận lớn đồng nghĩa với rủi ro cao.          

Sau khi Chính phủ vào cuộc để vực dậy thị trường, một số nhà đầu tư có kinh nghiệm đã bắt đầu chiến dịch săn lùng các cổ phiếu rẻ. Họ hy vọng thị trường sẽ dần phục hồi mặc dù có một số biến động ngắn hạn do các loại cổ phiếu có mệnh giá thấp vẫn ở mức cao hơn giá trị thực của nó và một số nhà đầu tư vẫn phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.          

Như vậy là không khí thị trường đầu cơ giá lên vẫn còn tồn tại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các nhà đầu tư chứng khoán hy vọng Chính phủ và chính bản thân họ sẽ rút ra một bài học quý giá từ cuộc khủng hoảng này. Thị trường được thiết kế cho tài chính dài hạn, chứ không phải đầu cơ ngắn hạn. Các nhà đầu tư nên tôn trọng sức mạnh của thị trường./.        

P/v Sơn Hà

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục