Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 46: Nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

14:38' - 12/01/2017
BNEWS Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc: Vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Ảnh minh họa: brunch.co.kr

Đó là chủ đề của cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017. Trong bài gợi ý dưới đây, người viết đã đặt mình vào vị trí cố vấn của Tổng thư ký Liên hợp quốc để chia sẻ cùng ngài ấy những vấn đề nóng cần xử lý của thế giới.

Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!

Như Ngài đã biết, hiện nay mất cân bằng giới tính đang trong tình trạng báo động khi mỗi năm số lượng bé trai chào đời lớn hơn số lượng bé gái rất nhiều.

Cụ thể, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) thống kê, tỷ lệ chào đời của bé trai và bé gái được ghi nhận ở con số 115,9:100 tại Trung Quốc năm 2014 (cứ khoảng 100 bé gái chào đời thì có 115,9 bé trai ra đời trong cùng thời gian), tại Ấn Độ là 110,01:100 của giai đoạn năm 2011-2013, tại Singapore là tỷ lệ 105,6:100, tại Việt Nam khá cao với tỷ lệ hơn 110:100 của năm 2014…

Mất cân bằng giới tính, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến động xã hội theo chiều hướng tiêu cực bởi đây không chỉ là vấn đề về dân số mà còn là vấn đề của xã hội.

Tình trạng mất cân bằng giới tính hay tỷ lệ chào đời của bé trai nhiều hơn bé gái đang gia tăng khiến cho các quốc gia đều rất lo lắng. Quan niệm “trọng nam kinh nữ”, nhiều tập quán xấu tồn tại, nhất là sự can thiệp của y khoa là những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng “thừa trai thiếu gái” đang được báo động trên toàn cầu.

Ở đó, hệ lụy rõ nhất được nhắc đến là tình trạng hôn nhân của những bé trai sau này lớn lên, được cho là ít cơ hội. Do đó, hiện có rất nhiều thiếu nữ, nhất là ở các vùng quê nghèo tại Ấn Độ hay Trung Quốc bị bắt cóc, bị bán đi với mục đích kết hôn. Trong khi đó, nhiều thanh niên sau này buộc phải vất vả tìm vợ ở các nước khác.

Có thể thấy, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ.

Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội.

Do đó, giải pháp của vấn đề là đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn. 

Có thể thấy phân biệt đối xử đối với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt. Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Tôi nghĩ bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tôi rất hi vọng với cương vị mới, Ngài Antonio Guterres có thể góp phần giải quyết tốt vấn đề bất bình đẳng về giới tính vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Ms. Thanh

Việt Nam, ngày 7 tháng 1 năm 2017

>>> Bức thư đạt giải Nhất thi Viết thư UPU năm 2016

>>> "Nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc": Gợi ý chủ đề thư UPU lần thứ 46

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục