Bài toán thúc đẩy sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng cao

18:29' - 10/05/2016
BNEWS Bộ Công Thương thu nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp FDI về những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tổ chức sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hướng tới xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chiều 10/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam luôn ủng hộ, tạo mọi thuận lợi cũng như đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, ổn định để các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng”.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm thu nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các chính sách mới ban hành, chính sách đầu tư, thương mại; các thủ tục thuế, xuất nhập khẩu, hải quan… nhằm kịp thời tháo gỡ.

Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tổ chức sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là tận dụng tối đa các ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với đối tác.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hàn Quốc đang ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam.

Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2015, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tạo ra khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; trong đó riêng 2 công ty Sam Sung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên) và Sam Sung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) xuất khẩu đạt kim ngạch 30,225 tỷ USD, chiếm khoảng 27% kim ngạch xuất khẩu khối FDI và khoảng 19% kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2015.

Nhận định về hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải bày tỏ, Chính phủ và Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp FDI, trong đó có các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tiếp tục tăng cường các dự án mới và mở rộng các dự án đang có tại Việt Nam; trong đó tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra linh kiện, phụ kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy có sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao; đầu tư vào các khâu sản xuất nguyên liệu trọng điểm của một số ngành (như sản xuất vải, dệt nhuộm, nguyên liệu da giày, linh kiện điện tử….).

Đồng thời, các doanh nghiệp FDI cũng tập trung đầu tư sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng tại Việt Nam, nhất là hình thành được chuỗi cung ứng; trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, qua đó thực hiện chuyển giao công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Xem xét dưới tác động của các FTA thế hệ mới vừa được ký kết, TS Trương Thị Chí Bình (Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp FDI cần tận dụng các cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do mới (TPP, FTA, EVFTA, VN-EAEU…), phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như tăng lợi nhuận của chính doanh nghiệp.

Tại tọa đàm, đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOITRA) cho biết: hiện doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam nếu dùng nguyên liệu do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có cơ quan chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, trong khi Hàn Quốc đã có cơ quan này.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có chung ý kiến mặc dù Việt Nam-Hàn Quốc đã ký hiệp định thương mại song phương, qua đó Việt Nam đồng ý việc doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng chữ ký điện tử.

Tuy nhiên, trong quá trình nhập khẩu, hoàn thuế nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải việc cơ quan thuế Việt Nam từ chối hoàn thuế hoặc không cho phép nhập khẩu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, nếu sản phẩm hoặc nguyên liệu đã được Việt Nam cấp giấy chứng nhận C/O thì đương nhiên đây là nguyên liệu do Việt Nam cung cấp, nếu không có chứng nhận này sẽ là nguyên liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp Hàn Quốc nên có thể không có giấy chứng nhận C/O và những hợp đồng này cũng tương đương giấy chứng nhận C/O bởi đây là nguyên liệu do Việt Nam sản xuất, cung ứng cho doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đối với thắc mắc về chữ ký điện tử, Thứ trưởng Khánh khẳng định: thông qua hiệp định thương mại giữa 2 nước, trong quá trình thông quan, hoàn thuế Việt Nam chấp nhận doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng chữ ký điện tử.

“Nếu doanh nghiệp đang vướng mắc về vấn đề này, có thể lên thẳng Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế để giải quyết thấu đáo”- Thứ trường Trần Quốc Khánh khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục