Bạn đã biết hết những biến chứng khi mắc quai bị ?

10:02' - 22/02/2017
BNEWS Bệnh quai bị là một bệnh lành tính, có thể tự khỏi từ 7-10 ngày, tuy nhiên, phải biết cách phòng tránh và xử lý kịp thời, nếu không có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Dù là nam hay nữ, người lớn hay trẻ em khi mắc quai bị đều đều tiềm ẩn những biến chứng khôn lường. Ảnh: marrybaby.vn

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện E (Hà Nội) đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhân mắc bệnh quai bị, chủ yếu là bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Ths.BS Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, số lượng bệnh nhân tăng trong thời gian này là do thời tiết mùa đông xuân – tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển.

Mới đây, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.V.A (28 tuổi, ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) vào viện trong tình trạng sốt, sưng đau góc hàm 2 bên, tinh hoàn bên trái sưng đau.

Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định bệnh nhân A bị quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn bên trái. Trước đó 5 ngày, bệnh nhân có tiếp xúc với một người bạn mắc quai bị. Một ngày sau, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau góc hàm bên phải, sau đó bệnh lan xuống tinh hoàn bên trái.

Bệnh nhân Đ.T.V (63 tuổi, ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cũng phải nhập viện do mắc quai bị sau 5 ngày. Bệnh nhân V nhập viện trong tình trạng sưng đau góc hàm bên phải, sau đó lan sang bên trái. Kết quả xét nghiệm men tụy trong máu (amylase) tăng cao gấp 2,5 lần so với bình thường. Khai thác tiền sử bệnh án cho thấy, bệnh nhân không rõ nguồn lây từ đầu, vì người thân trong gia đình không có ai mắc bệnh. Bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng bệnh quai bị.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, bệnh quai bị ở người lớn thường ít gặp hơn ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn mắc bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em.

Người mắc bệnh có thể gặp các biến chứng như: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn với tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời; tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng; thậm chí có biến chứng gây viêm buồng trứng, có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì...

Đặc biệt, bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Các tổn thương thần kinh như: viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Ngoài ra, còn có một số biến chứng nguy hiểm khác như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…

Các bác sỹ khuyến cáo người dân cách phòng và điều trị bệnh quai bị đối với người bệnh như: Cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi, hạn chế vận động.

Hiện nay, tiêm vaccine phòng bệnh quai bị vẫn là biện pháp tốt nhất. Khi tiêm vaccine có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm 6 – 7 tuần.

Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: Tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi. Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị.

>>> Các biện pháp phòng chống bệnh quai bị

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục