Ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là cần thiết

19:41' - 12/06/2017
BNEWS Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội nghe trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu nêu nhiều ý kiến liên quan đến việc giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu đang được dư luận quan tâm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, nợ xấu làm cho nền kinh tế kém hiệu quả, cạnh tranh thấp.

Thời gian qua có nhiều văn bản giải pháp để xử lý nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân là do chính sách pháp luật chưa thống nhất, chưa hoàn thiện và bảo vệ được quyền hợp pháp của các tổ chức tín dụng.

Pháp luật quy định xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ có nhiều bất cập làm hạn chế kết quả xử lý nợ xấu dẫn đến nhiều vướng mắc kéo dài.
Đại biểu khẳng định, Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là cần thiết, tạo hành lang pháp lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay, thực hiện đúng nguồn kinh phí của mình, nếu thua lỗ phải chấp nhận cho tổ chức tín dụng bán tài sản đã thế chấp.
Để giải quyết tốt vấn đề nợ xấu, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, vai trò của Công ty quản lý tài sản (VAMC) rất quan trọng và phải được coi là một công ty mua bán của Nhà nước, là đơn vị mua bán cuối cùng trong hệ thống thị trường.

Theo đại biểu, khi bất động sản xuống giá, Công ty quản lý tài sản sẽ đứng ra mua, hoặc một nhà máy xây dựng xong, nhưng không còn tài sản thế chấp để vay tiếp, VAMC phải mua mới tiếp tục đầu tư để sản xuất và trả được nợ.

Theo đại biểu Phương, cần xác định rõ quyền của tổ chức tín dụng trong việc xác định tài sản thế chấp vì đây chính là nút thắt quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, Nghị quyết cần làm rõ, người vay phải hiểu rằng vốn tín dụng là tiền của người dân, huy động từ người dân và Ngân hàng chỉ là trung gian tài chính để lưu thông tiền tệ, phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, trách nhiệm của người vay và người sử dụng có hiệu quả phải chấp nhận xử lý tài sản sau khi vi phạm hợp đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết chuyên biệt về xử lý nợ xấu trong điều kiện chưa thể sửa đổi ngay được các luật hiện hành có liên quan là giải pháp tối ưu và kịp thời để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, nợ xấu phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, liên quan đến nhiều chủ thể bao gồm: Ngân hàng, khách hàng vay vốn, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, môi trường sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính...

Trong đó, khách hàng vay vốn là chủ thể trực tiếp gây nên nợ xấu.

Khả năng trả nợ của người vay vốn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí cả ý thức trả nợ.

Nhiều khách hàng không chịu hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ.

Vì vậy, không nên coi nợ xấu là của ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý nợ xấu.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, hiện nay có nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo có giá trị thường thấp hơn giá trị sổ sách, nhưng vì luật pháp chưa cho phép bán theo giá thị trường nên các tổ chức tín dụng chưa dám làm, dẫn đến một số lượng lớn các khoản nợ tài sản đảm bảo chưa thể xử lý được, gây lãng phí về nguồn lực trong xã hội.

Vì vậy, Nghị quyết cần yêu cần bám theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo việc tổ chức triển khai, công khai, minh bạch, không tạo ra kẽ hở để các tổ chức tín dụng lợi dụng bán thấp hơn giá thị trường và lợi dụng cho lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân.
Đại biểu cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo rất cần thiết góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, giảm bớt chi phí phát sinh, giúp các tổ chức tín dụng có cơ hội giảm lãi suất đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay xuống bằng với khu vực (hiện đang rất cao so với các nước trong khu vực). Khi đó vốn cho nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục