Bán lẻ Việt Nam: Cần một ngành sản xuất lớn

06:42' - 18/12/2015
BNEWS Để ngành bán lẻ Việt Nam phát triển, cần có một ngành sản xuất lớn. Khi đó, yếu tố liên kết rất quan trọng.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài cũng trở nên rõ nét hơn, đòi hỏi sự chủ động và ứng phó của chính bản thân các doanh nghiệp nội địa, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và các Ban, ngành, địa phương.

Để phản ánh về vấn đề này, BNEWS xin giới thiệu chùm ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp và chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam về những cơ hội và thách thức mà ngành này đang phải đối mặt.

Ông Yukio Konishi, Tổng Giám đốc AEON Mall Việt Nam: Hệ thống phân phối Việt Nam chưa đạt chuẩn quốc tế

Ông Yukio Konishi, Tổng Giám đốc AEON Mall Vietnam: AEON tự tin sẽ thành công tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Aeon Vietnam

Tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm của Nhật Bản chưa xuất hiện nhiều tương xứng với tiềm năng của thị trường. AEON Mall ra đời sau hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin rằng là doanh nghiệp Nhật Bản có kinh nghiệm rất lâu đời và sẽ thành công tại thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ của Nhật Bản có lợi thế về kỹ năng và trình độ quản lý tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi có nguồn hàng giá rẻ và chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tại Việt Nam, qua nghiên cứu và khảo sát, AEON hiện tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng gia đình.

Việt Nam có số dân đông với cơ cấu dân số trẻ, nên chắc chắn ngành hàng dịch vụ ăn uống và trung tâm giải trí sẽ rất phát triển trong tương lai. AEON sẽ chú trọng khai thác phân khúc này, từ đó tạo đủ sức cạnh tranh được với các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh  tế thế giới. Với sự kiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên trong TPP, đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp chúng tôi gia tăng lượng hàng hóa Nhật Bản cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Đồng thời đây cũng là cơ hội nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam trong chuỗi cung cấp hàng hóa của AEON trên toàn thế giới và trở thành nhà cung ứng sản phẩm Việt Nam tiên phong tại thị trường Nhật Bản.

Hiện hàng nông sản của Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu từ thị trường Nhật Bản vốn rất khó tính.

Ngoài ra, hệ thống phân phối sản phẩm của Việt Nam cũng chưa đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế, thiếu sự liên kết giữa nhà nông, thương lái và các siêu thị, nên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vẫn còn thấp, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa của một số các quốc gia khác trong cùng khu vực.

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food: Doanh nghiệp chủ động, Nhà nước cũng cần hỗ trợ

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food:Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nghiên cứu và đưa ra sản phẩm sáng tạo mới.   Ảnh: Saigon Food

Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào thị trường kinh tế thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội, đồng thời là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa.

Chúng ta phải cạnh tranh với hàng hóa của nước ngoài vào Việt Nam. Đây là sự cạnh tranh không cân sức vì doanh nghiệp của Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có doanh nghiệp siêu nhỏ. Do vậy, tiềm lực về tài chính yếu và chúng ta thiếu kinh nghiệm về đầu tư sản xuất, quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối.

Sản phẩm của Việt Nam chất lượng tốt nhưng không có đầu tư nên mẫu mã bao bì không bắt mắt. Đó là những điểu yếu của doanh nghiệp Việt Nam và phải bắt đầu một sự cạnh tranh không cân sức đối với sản phẩm ngoại nhập.

Riêng với Sài Gòn Food, chúng tôi liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới, tự tạo và đưa ra thị trường những sản phẩm sáng tạo và độc đáo để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của Công ty.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp tư nhân dù được đánh giá là khu vực rất năng động song hầu hết đây là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực tài chính không lớn, đầu tư đổi mới công nghệ, truyền thông quảng bá còn hạn hẹp. Sản phẩm của các doanh nghiệp không được tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng với chất lượng ngày càng nâng cao hơn.

Với lĩnh vực này, chúng tôi đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nghiên cứu và đưa ra sản phẩm sáng tạo mới. Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ nhưng thời gian qua với khu vực doanh nghiệp tư nhân thì việc hỗ trợ này vẫn rất khó.

Ông Phạm Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Thiếu hụt trong liên kết nội địa

Ông Phạm Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Thiếu hụt trong liên kết nội địa. Ảnh: TTXVN

Khi nền kinh tế của chúng ta mở cửa, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã nắm bắt được tiềm năng của Việt Nam và đổ bộ khá nhiều vào đây. Hiện đã có hơn 10 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên doanh hoặc trực tiếp vào Việt Nam.

Sự cạnh tranh giữa khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, tôi cho là không cân sức. Các doanh nghiệp nước ngoài thường có nguồn vốn dồi dào, chi phí vốn thấp và có chiến lược kinh doanh chuyện nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của các công ty này thường được thực hiện theo chuỗi thu mua và phân phối toàn cầu nên chi phí rất thấp với thương hiệu nổi tiếng.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể kể cả cấp nhà nước cấp ngành và cấp doanh nghiệp về vấn đề bán lẻ. Thêm nữa, nguồn nhân lực của chúng ta yếu, 90% các giám đốc tại siêu thị Việt Nam chưa qua đào tạo bán lẻ.

Mấu chốt nhất đó là sự thiếu hụt trong liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành bán lẻ. Cho nên “con thuyền nan nhỏ” bán lẻ của Việt nam dễ bị chao đảo trước làn sóng hội nhập.

Để nâng tầm cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, trước hết cần đề cập đến vai trò của Nhà nước. Hiện tại, chi phí kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam là khá cao khoảng 8 – 9%, trong khi chi phí lãi vay của các công ty nước ngoài chỉ vào khoảng 1-2%.

Với nguồn vốn hẹp, chúng ta càng cần phải tập trung các doanh nghiệp vào thành một chuỗi và gia tăng khả năng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Từ đó,  dựa thêm vào sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, vốn và chính sách để phát triển một ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Một điều quan trọng khác nữa để ngành bán lẻ Việt Nam phát triển, cần có một ngành sản xuất lớn. Với nền sản xuất kém hiệu quả, năng suất thấp và chất lượng không ổn định thì chúng ta rất khó phát triển và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục