Bán lẻ Việt Nam: Mô hình tập đoàn là một hướng đi

14:49' - 16/12/2015
BNEWS Cùng việc phát triển hệ thống phân phối chủ lực về hàng tiêu dùng, hướng tới mô hình các tập đoàn phân phối mạnh, cần phát triển các mô hình phân phối chất lượng dịch vụ cao ở thị trường đô thị.
Hàng hóa tại siêu thị Coopmart Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, hệ thống phân phối hàng hóa với vai trò liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, có tác động trực tiếp đến lợi nhuận của nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng nên bản thân hệ thống phân phối hàng hóa đã và đang trở thành lĩnh vực kinh doanh mang tính cạnh tranh cao độ.

PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu Thương mại phân tích, hiện nay thị trường trong nước có quá ít những doanh nghiệp phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, có mạng lưới kinh doanh và khả năng quản trị, cũng như công nghệ quản lý điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa.

Hay nói cách khác trên thị trường thiếu những doanh nghiệp và hệ thống phân phối nòng cốt, bảo đảm kiểm soát và chi phối được thị trường xã hội nhất là những tình huống căng thẳng, gay gắt…

Trong khi, các doanh nghiệp nước ngoài là những “đại gia” có nguồn vốn “khủng” và có sự thuận lợi để mở rộng mặt bằng nên dễ dàng thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam.

Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa hầu hết chưa có được hệ thống phân phối hiệu quả như các đối thủ nước ngoài. Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS

Hầu hết các doanh nghiệp thương mại nội địa đều chưa có cấu trúc phân phối được tổ chức mang tính hệ thống, bám sát quy trình vận động của hàng hóa từ thượng nguồn đến hạ nguồn, trải rộng trên các địa bàn; trong đó, quan trọng nhất là hệ thống phân phối chuyên nghiệp.

Tại Việt Nam có quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ (chợ, cửa hàng độc lập, hộ kinh doanh cá thể) không được định hình phát triển, không được tổ chức thành đối tượng của quản lý Nhà nước.

Theo PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, điều này khiến cho nhận thức về lưu thông hàng hóa và thương mại của hầu hết doanh nghiệp nội đia chưa đầy đủ, rõ ràng và thiếu nhất quán.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay, nông dân sản xuất hầu hết không có hóa đơn chứng từ, không có quy trình an toàn thực phẩm. Như vậy, đầu vào cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ở những sản phẩm nông nghiệp đang là thế mạnh bị hạn chế.

Chọn lối đi thích hợp

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc nhiều thương hiệu bị mua lại thì vẫn có những doanh nghiệp trong nước đứng vững tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối và khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể là Sài Gòn Corp liên doanh với NTUC Singapore lập siêu thị Coop Xtra tại quận Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) có diện tích 25.000m2; mở trung tâm thương mại Sese City tại quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ có diện tích 22.000m2. Riêng số siêu thị của Sài Gòn Corp hiện đã lên tới 60 siêu thị.

Lựa chọn lối đi riêng với thương hiệu riêng giúp cho Hapro vẫn luôn đứng vững trên thị trường Việt Nam suốt nhiều năm qua. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Là một thương hiệu bán lẻ được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, mạng lưới “Hapro” hiện đã có mặt trên 70 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng công ty Hapro bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập, nếu doanh nghiệp không kiên trì theo đuổi, có hướng đi riêng và bảo vệ sẽ mất thương hiệu; dễ dàng bị các Tập đoàn nước ngoài mua lại. 

Đối với khu vực nội thành, Hapro tập trung phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện ích quy mô nhỏ còn tại các khu vực xa trung tâm, Hapro cho hình thành các siêu thị lớn tại những điểm nút giao thương và tránh các khu vực có sự hiện diện của các nhà phân phối nước ngoài.  

Vì vậy, chỉ sau một năm thương hiệu Hapro Mart có mặt trên thị trường, Tổng công ty đã phát triển được chuỗi cửa hàng tiện ích gồm 18 địa điểm tại Hà Nội. Tại các tỉnh lân cận, Hapro cũng thành lập được 5 đại siêu thị. Bên cạnh đó, Hapro cũng xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương để tạo nguồn cung cấp hàng hóa cho cả hệ thống bán lẻ của Hapro.

Việc xây dựng chuỗi phân phối khép kín giữa người nông dân và doanh nghiệp phân phối là điều hết sức cần thiết. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Mô hình Tập đoàn

Theo ông Vũ Vinh Phú, bài toán hội nhập và cạnh tranh đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết. Đưa thẳng hàng hóa từ sản xuất đến bán lẻ, nâng cao năng suất lao động, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nội địa, có như vậy mới phục vụ nguồn cung hàng hóa cho các doanh nghiệp bán lẻ tồn tại phát triển.

Còn PGS.TS Hoàng Thọ Xuân lại cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp phân phối Việt cần phát triển mạnh đồng thời hai mạng lưới cửa hàng bán lẻ trực thuộc hệ thống phân phối của Tập đoàn, Tổng công ty và cửa hàng của hệ thống Tổng đại lý, đại lý bán lẻ đối với một số vật tư hàng hóa chiến lược.

Theo PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, cần gắn kết các cửa hàng trực thuộc và cửa hàng của các đại lý, Tổng đại lý trong hệ thống phân phối của mình với quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh các mặt hàng chiến lược trên các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, chú trọng đến các khu vực, vùng trọng điểm như khu sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Cùng với việc phát triển một số hệ thống phân phối chủ lực về hàng tiêu dùng, hướng tới mô hình các tập đoàn phân phối mạnh, cần phát triển các mô hình phân phối văn minh, hiện đại, chất lượng dịch vụ cao tại các thị trường đô thị. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống phân phối kết hợp siêu thị hiện đại gắn cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng với thu mua nông sản thực phẩm trên thị trường nông thôn.

Ngoài ra, xây dựng mô hình trung tâm logistic kho bán buôn tạo tiền đề để xây dựng cơ chế chủ động điều tiết cung cầu bằng dự trữ lưu thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục