Báo cáo Thủ tướng việc xử phạt người điều khiển ô tô không mang bản chính Giấy đăng ký xe

12:21' - 20/07/2017
BNEWS Sáng 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công tác tư pháp quý II/2017.

Tăng cường theo dõi thi hành pháp luật về đầu tư kinh doanh

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 2 nghị quyết; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh để bảo đảm tính thống nhất, khả thi.

Xử phạt phương tiện không có bản chính Giấy đăng ký xe. Ảnh minh họa: Báo Hải Phòng

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có nhiều điểm sáng, chú trọng khâu xử lý văn bản trái pháp luật. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho trên 940.000 trường hợp. Ngoài ra, công tác thi hành án dân sự về việc và về tiền tiếp tục đạt cao.
Trong quý III/2017, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuẩn bị kỹ hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp và các Báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tác động lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ sẽ tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng…
Theo ông Đỗ Đức Hiển, thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020, Bộ Tư pháp đã rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP.

Nghị quyết đã thông qua phương án đơn giản hoá đối với 109 thủ tục hành chính thuộc 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Cụ thể, đề xuất bãi bỏ 2 thủ tục “Thông báo có quốc tịch nước ngoài” và thủ tục “Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”; sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và mẫu đơn, tờ khai đối với 107 thủ tục hành chính trên cơ sở khai thác, sử dụng 15 trường thông tin cơ bản về công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm bớt giấy tờ, các thông tin công dân phải cung cấp cho các cơ quan. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là định hướng triển khai công việc.

Để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trước hết phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo quy định của Luật Hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2020, đồng thời sửa đổi các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, Chánh Văn phòng Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại 3 luật, 6 nghị định, 3 thông tư liên tịch và 20 thông tư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo lộ trình phù hợp với thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Kế hoạch để triển khai Nghị quyết này.

Tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký khai sinh cho trẻ

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng thông tin về một số vấn đề mà báo chí phản ánh trong thời gian qua liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Về việc người dân ở một số địa phương phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền khi đăng ký khai sinh cho con thứ ba trở lên, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra, xác minh.

Kết quả cho thấy, sự việc báo chí phản ánh là có thực, các địa phương cho biết đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.

"Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh đối với trường hợp sinh con thứ ba trở lên là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành như: Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Hộ tịch và Luật Xử lý vi phạm hành chính", ông Đỗ Đức Hiển khẳng định.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có công văn gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện đúng quy định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đăng ký khai sinh cho trẻ em; không có bất cứ hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Các đơn vị rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng, nếu phát hiện có sai phạm đề nghị chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp địa phương ban hành văn bản dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu tiền của người dân liên quan đến việc đăng ký khai sinh do sinh con thứ ba trở lên thì đề xuất bãi bỏ.
Liên quan đến việc cảnh sát giao thông xử phạt đối với người điều khiển ô tô không mang bản chính Giấy đăng ký xe, trong đó nhiều trường hợp là ô tô đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.

“Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”, ông Đỗ Đức Hiển nêu rõ.
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thông tin thêm, hiện có khoảng 1,3 triệu ô tô đang thực hiện việc thế chấp Giấy đăng ký xe tại ngân hàng. Theo ông Đặng Thanh Sơn, việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính đăng ký xe mà chỉ có bản sao công chứng và giấy chứng nhận của tổ chức tín dụng đã dẫn tới sự hoang mang, phản ứng trong dư luận.
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn phân tích, việc lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt là có cơ sở pháp lý, cụ thể tuân thủ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng giữ bản chính đăng ký xe là một thực tiễn, xuất phát từ việc các ngân hàng muốn đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh nên giữ giấy tờ bản chính để tránh phát sinh nợ xấu.
“Rõ ràng quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, minh bạch. Nếu tiếp tục xử phạt với người dân chỉ mang theo bản sao có thể tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính kinh tế”, ông Đặng Thanh Sơn nhấn mạnh và cho rằng trong thời gian tới cần điều chỉnh hệ thống pháp luật để người dân, doanh nghiệp thực hiện thống nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục