Bảo vệ áp lực cạnh tranh

09:07' - 08/09/2015
BNEWS Sở hữu tư nhân là một nhân tố giúp đầu tư và hoặc quản lý dự án hiệu quả hơn, song chưa đủ. Vẫn rất cần phải đảm bảo cạnh tranh, hạn chế và tránh độc quyền.

LTS: Đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng thì vai trò đầu tư của nhà nước là cực kỳ quan trọng. Tuy thế, cơ hội cũng mở ra cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Ở Việt Nam gần đây cũng có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân hào hứng đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển...

                Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Bnews xin giới thiệu bài viết của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW về vấn đề này.

Việc nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển không phải điều mới mẻ, trên thế giới đã có rất nhiều nước làm như vậy.

Hình thức có thể là những công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động, từng do Nhà nước sở hữu, quản lý nay chuyển sang công ty cổ phần, hay tư nhân sở hữu, điều hành, quản lý, kinh doanh. Cũng có thể là việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho những dự án hạ tầng sẽ hình thành, phát triển.

Trong một nền kinh tế mở, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, như với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải thực hiện những cam kết về mua sắm Chính phủ, thì không chỉ tư nhân trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

Thông thường tư nhân thực hiện đầu tư sẽ hiệu quả hơn bởi hai lý do:

Thứ nhất, điều đó hạn chế được những xung đột giữa nguồn lực, quyền lực, và lợi ích. Thứ hai, nó có thể huy động được nguồn vốn, kỹ năng công nghệ của khu vực tư nhân, nhất là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nợ công có những vấn đề nhất định. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Khi “hút” đầu tư tư nhân vào kết cầu hạ tầng, cũng có thể phát sinh những phí tổn nhất định của quá trình điều chỉnh; song nhìn chung đây là việc cần làm và là xu thế tích cực.

Việc bảo vệ áp lực cạnh tranh là cần thiết bởi vì chỉ có cạnh tranh và chịu áp lực cạnh tranh thì lợi ích của người tiêu dùng mới được đảm bảo tốt nhất và nguồn lực mới được phân bổ hiệu quả nhất. Và có cạnh tranh thì mới chọn được đối tác tốt, nhà đầu tư tốt, doanh nghiệp tốt.

Đảm bảo cạnh tranh đôi khi bị “nhầm lẫn” thành bảo vệ người chơi trên thị trường; tất nhiên đây cũng là điều cần thiết khi việc bảo vệ có tính pháp lý chính đáng. Nếu ví thị trường như một “sân chơi” thì “sân chơi” đó nếu có rất nhiều “người chơi” cùng thông tin đầy đủ, khi đó rất tự nhiên sẽ có cạnh tranh.

Trong trường hợp “sân chơi” chỉ có một hoặc rất ít “người chơi”, thì phải biết tạo áp lực cạnh tranh bằng các quy định điều tiết minh bạch, rõ ràng. Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, do một số điều kiện đặc thù như vị trí địa lý, thì tính độc quyền ở đó có thể rất cao.

Nếu không tạo ra được áp lực cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi, việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư khi muốn tham gia vào “sân chơi”, điều kiện đầu tiên là phải được các tổ chức đánh giá độc lập công nhận đảm bảo các tiêu chí về nguồn lực, chuyên môn – có thể gọi là điều kiện "đầu vào".

Trong thời gian vừa qua, chúng ta mới quan tâm nhiều đến điều kiện đầu tiên này, và ngay ở điều kiện này cũng có nhiều vấn đề cần lưu ý như tính minh bạch, tính hợp lý.

Thứ nữa, trong quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng, thì có thể sẽ bị thay thế – đây chính điều kiện “đầu ra” quan trọng nhất.

Áp lực cạnh tranh ở đây chính là từ phía thị trường, là kết quả mà doanh nghiệp phải cung cấp cho người tiêu dùng.

Áp lực cạnh tranh không chỉ bao gồm yếu tố thị trường, từ phía doanh nghiệp mà còn ở chính sách điều hành nữa. Tuy nhiên, cái khéo của chính sách phải là tạo ra được áp lực cạnh tranh phù hợp, có bước đi để doanh nghiệp Việt Nam lớn dần lên trong môi trường cạnh tranh.

Để làm được điều này, việc xây dựng chính sách phải có sự khảo sát kỹ càng, vì doanh nghiệp một cách thích hợp. Khi đó, doanh nghiệp có năng lực sẽ vươn lên được, dần dần tạo ra nền tảng phát triển bền vững, còn trái lại sẽ phải chấp nhận bị đào thải./.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục